Những mốc son lịch sử của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
92 năm xây dựng và trưởng thành, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã trải qua 6 lần đổi tên. Quá trình này đều gắn với những giai đoạn lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương: Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, họp từ ngày 20 đến ngày 26/3/1931, do đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì đã dành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và chỉ thị cho tổ chức Đảng ở các địa phương phải quan tâm đến việc xây dựng Đoàn Thanh niên. Hội nghị đã quyết định thống nhất các tổ chức Đoàn thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương.
Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương: Tháng 3 năm 1937, Đảng quyết định tổ chức ra “Đông Dương phản đế Đoàn” để thay cho “Đông Dương cộng sản Đoàn”. Tháng 9/1937, Đảng nhấn mạnh phải ra sức tổ chức các hội quần chúng phổ thông của thanh niên để thu phục quảng đại quần chúng thành một mặt trận thống nhất thanh niên. Tháng 3/1938, Đảng quyết định tổ chức “Thanh niên tân tiến Hội”, để giúp Đảng vận động các tầng lớp thanh niên phù hợp với hoàn cảnh, trình độ, tâm lý của họ để có khẩu hiệu và hình thức tổ chức thích hợp. Trong thời kỳ 1936 - 1939 Đoàn thanh niên có nhiều tên gọi khác nhau song đều nhằm mục đích đấu tranh đòi các quyền dân sinh dân chủ, vì vậy thường được gọi tên chung là Đoàn thanh niên Dân chủ.
Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương: Theo chủ trương của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 11/1939), Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của các tổ chức Thanh niên Cộng sản và Thanh niên Dân chủ Đông Dương trước đây.
Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam: Để tập hợp và động viên các tầng lớp nhân dân đứng lên đuổi phát xít Pháp - Nhật, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 họp tại Pác Bó (tháng 5/1941) đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh và các Hội Cứu quốc trong đó có Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam tiếp nối sự nghiệp của các tổ chức thanh niên do Đảng và Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo trước đó.
Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam: Ngày 19/10/1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra nghị quyết đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu Quốc Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.
Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh: Sau khi Bác mất, thể theo nguyện vọng của tuổi trẻ Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/1970) Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết cho Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên và Đội nhi đồng được mang tên Bác kính yêu. Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam được đổi tên thành Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh. Kỷ niệm lần thứ 39 Ngày truyền thống vẻ vang của Đoàn (26/3/1970), Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tổ chức trọng thể lễ đón nhận Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho tổ chức Đoàn và tổ chức Đội được mang tên Bác.
Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh: Đại hội lần thứ IV của Đảng họp từ ngày 14 đến 20/12/1976 tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đổi tên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh thành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII xác định mục tiêu: “Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; sức khỏe; văn hóa; kiến thức khoa học, công nghệ; kỹ năng sống, nghề nghiệp; ý chí lập thân, lập nghiệp; năng động, sáng tạo.