Khám, chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu "mỗi nơi một giá"
Sau một thời gian các bệnh viện công được tự quyết giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, dẫn đến viện phí rất lộn xộn… Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ ban hành mức trần để khống chế giá các loại dịch vụ y tế.
Tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế quý I/2023 do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/3, ông Nguyễn Tường Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết, hoạt động khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế đã diễn ra từ lâu.
Đây cũng là chủ trương đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi bệnh viện áp dụng mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu rất khác nhau, từ vài trăm đến hàng triệu đồng.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, chuẩn bị báo cáo Thủ tướng trước khi ban hành dự kiến vào tháng 4/2023.
Theo đó, bệnh viện được quyền quyết định giá khám chữa bệnh theo yêu cầu trên cơ sở công khai, minh bạch, cạnh tranh và phải đảm bảo khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, khám cho người nghèo...
Các bệnh viện được áp dụng mức trần giá khám bệnh mỗi lượt 300.000 đồng, tiền giường nằm 3.000.000 đồng/ngày. Các mức giá khác nhau tùy vào hạng bệnh viện, bác sĩ hay giáo sư... và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh.
Trước đó, năm 2019, Bộ Y tế đã ban hành thông tư tương tự, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 và tình hình kinh tế xã hội khó khăn, Chính phủ yêu cầu tạm dừng chưa thực hiện thông tư này. "Lý do được đưa ra là giá dịch vụ y tế tác động chỉ số giá tiêu dùng CPI và khả năng chi trả của người dân", ông Sơn cho hay.
Vì vậy, Bộ Y tế triển khai xây dựng lại dự thảo thông tư về giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế. Đến nay, dự thảo đã cơ bản hoàn thành việc lấy ý kiến các bộ, ngành và chuẩn bị báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước khi ban hành.
Cũng theo ông Nguyễn Tường Sơn, gần đây nhất, Luật khám chữa bệnh sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2024 cũng xác định, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa tại các cơ sở y tế và giao Bộ Y tế xây dựng phương pháp định giá, từ đó các cơ sở y tế tự quyết định về giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở mình.
"Tuy thẩm quyền ban hành văn bản này của Bộ Y tế, nhưng theo chỉ đạo của Chính phủ, đây là thông tư rất quan trọng, trước khi ban hành, Bộ Y tế cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ", ông Nguyễn Tường Sơn cho biết.
Bộ Y tế kỳ vọng, trong tháng 4 này có thể ban hành thông tư.
Trước đó, vào tháng 11/2022, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đăng tải dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, do Bộ Y tế xây dựng, lấy ý kiến đóng góp.
Theo dự thảo này, bệnh viện hạng một, hạng đặc biệt như Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế... không được thu quá 300.000 đồng/lần khám. Các cơ sở y tế khác, giá tối đa là 200.000 đồng/lần khám.
Riêng trường hợp mời các chuyên gia trong nước (ngoài cán bộ cơ hữu tại đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu), ngoài nước, đến khám, tư vấn sức khỏe, dự thảo của Bộ Y tế đề xuất đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.
Giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) tối đa 3.000.000 đồng/ngày với bệnh viện hạng Đặc biệt, hạng một, mỗi phòng một giường. Cùng hạng bệnh viện này, nếu phòng có 2 giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1.500.000 đồng/giường, phòng 4 giường giá 1.300.000 đồng/giường.
Hiện nay, các cơ sở y tế công lập đang áp dụng giá khám, tiền giường dịch vụ khác nhau do chưa có khung giá từ Bộ Y tế. Cụ thể, giá phòng dịch vụ từ 700.000 - 2.500.000 đồng/giường mỗi ngày đêm. Như Bệnh viện Bạch Mai, phòng 2 giường giá 1.000.000 đồng/giường, ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phòng 1 giường giá hơn 2.000.000/đêm.
Như vậy, giá giường nằm đề xuất trong dự thảo thông tư cao hơn khoảng 1.000.000 đồng so với mức cao nhất đang áp dụng tại các bệnh viện công lớn.
Ông Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ Y tế cũng thông tin thêm, trước đây tại một số cuộc họp về sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, cũng đã có ý kiến cho rằng giá khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu không cần khống chế mức trần, bởi hiện nay phụ thuộc vào cơ chế thị trường.
Việc xây dựng thông tư này ảnh hưởng đến một bộ phận người dân, đặc biệt những người có thu nhập, song không vì những nhóm này mà "thả" ra không quản lý, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn phải kiểm tra.
"Chúng tôi hy vọng, thông tư được ban hành sẽ làm thỏa đáng yêu cầu cho những người có khả năng chi trả cao. Song song đó, giá dịch vụ y tế liên quan trực tiếp đến CPI, vì vậy Chính phủ rất thận trọng trong việc điều chỉnh. Do đó, dù rất nhiều lần Bộ Y tế muốn ban hành quy định điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhưng vì ảnh hưởng đến hàng hóa CPI nên phải dừng lại", ông Đức nói.