Áo dài xuyên thấu: Cách tân, hợp thời, hay phản cảm?
Sự việc Vanessa Nattacha Wenk, thí sinh Hoa hậu Hòa bình Thái Lan, mặc áo dài với thiết kể "gợi cảm" quá đà, xuyên thấu trước ngực, khi tới TP.HCM đang gây bức xúc lớn trong dư luận...
Áo dài - Biểu tượng văn hóa dân tộc Việt Nam
Áo dài từ lâu đã trở thành quốc phục thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt, được nhiều đại diện sắc đẹp Việt Nam lựa chọn là trang phục trong nhiều chương trình, lễ hội lớn nhỏ nhằm tôn vinh giá trị áo dài cũng như giới thiệu quảng bá văn hóa, đất nước con người Việt Nam.
Từ nhỏ đến lớn, nam hay nữ, ai cũng có thể khoác lên mình chiếc áo dài với niềm kiêu hãnh và tự hào. Người Việt Nam vẫn trân trọng, tôn vinh chiếc áo dài như chính quê hương của mình.
Vẻ đẹp áo dài như người con gái đang thì xuân sắc. Người Nhật cho rằng "Bạn gái vẫn trở thành nàng tiên của nam giới, nếu như mặc áo dài ngay cả khi không cần trang điểm son phấn".
Người Anh thì cho rằng, chiếc áo dài của Việt Nam "vừa quyến rũ, vừa khêu gợi, nó phủ tất cả nhưng lại hầu như không che gì cả". Còn Piere Cardin (nhà tạo mẫu Pháp) đã đúc kết: " Áo dài Việt Nam là thời trang của mọi thời đại".
Trong suốt tiến trình lịch sử của văn hóa, áo dài không ngừng biến đổi về kiểu dáng lẫn chất liệu, phụ kiện để tạo nên biểu tượng vẻ đẹp của phụ nữ Việt, vừa truyền thống vừa hiện đại.
Ngày nay, tà áo dài của phụ nữ Việt Nam càng trở nên quyến rũ và bay bổng hơn. Nó đã được làm đẹp bởi chính bàn tay của phái đẹp thiết kế, sửa sang, đi sâu và tìm tòi, cải tiến. Và nhiều tên tuổi mới đã vì tình yêu đối với chiếc áo dài Việt mà đem đến những sáng tạo không giới hạn.
Nhờ những nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo của một số nhà thiết kế đã cho ra đời nhiều mẫu trang phục độc đáo, sinh động, mang bản sắc văn hóa dân tộc để đại diện của Việt Nam trình diễn tại sàn diễn thời trang, hoặc đấu trường nhan sắc quốc tế. Qua đó góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với bạn bè thế giới.
Cách tân áo dài: Xin đừng phát nát!
Ðáng tiếc là những "tác giả" làm được điều đó không nhiều, phần lớn chỉ tạo ra những thay đổi nhỏ, tiểu tiết gây cảm giác đơn điệu, buồn chán, thậm chí đã xuất hiện xu hướng thiết kế trang phục theo lối thô thiển, phản cảm.
Phổ biến nhất của những hành động này là tình trạng cắt xén táo bạo để biến một trang phục nền nã, kín đáo trở thành một bộ cánh để khoe thân với phần cổ được khoét sâu, eo xẻ cao, tay áo bị... cắt cụt.
Thậm chí có những nhà thiết kế đã sử dụng chất liệu vải trong suốt để dựng nên chiếc áo dài "mặc cũng như không" khiến người xem phải đỏ mặt.
Chiều 23/3, Vanessa Nattacha Wenk, thí sinh Hoa hậu Hòa bình Thái Lan, đã gây tranh cãi vì mặc áo dài thiết kế gợi cảm quá đà khi tới TP.HCM.
Miss Grand Saraburi 2023 mặc áo dài có thiết kế gợi cảm, chất liệu xuyên thấu trước ngực. Trang phục này khiến cô bị khán giả Việt phản ứng.
Trước đó, ca sĩ nhạc đồng quê từng đoạt giải Grammy 2019- Kacey Musgraeves, diện áo dài Việt Nam không quần trong buổi diễn tại Texas (Mỹ), làm "dậy sóng" dư luận công chúng Việt.
Không chỉ vậy, trong những ảnh đưa lên trang cá nhân, cách Kacey Musgraeves mặc áo dài không quần tạo dáng quá đà càng khiến cho hình ảnh của Kacey Musgraeves trở nên lố bịch.
Những hình ảnh này làm "tổn thương" chiếc áo dài được xem như Quốc phục của Việt Nam và người Việt cảm thấy bị xúc phạm bởi cách phối đồ cùng cách tạo dáng thiếu tôn trọng của Kacey Musgraeves.
Một rapper người Mỹ ít tên tuổi hơn cô là Saweetie cũng gây sốc với phong cách ăn mặc tương tự. Cụ thể, khi xuất hiện trên thảm đỏ lễ trao giải âm nhạc Billboard, nữ nghệ sĩ 25 tuổi gây chú ý khi diện trang phục được nhận xét giống hệt áo dài Việt Nam.
Cũng giống như Kacey Musgraves, Saweetie không mặc quần, để lộ vòng ba phản cảm, cùng nhiều khoảnh khắc khiến người xem “nhức mắt”.
Chừng đó cũng đủ cho chúng ta thấy, dù xuất hiện ở đâu, hoàn cảnh nào, ngoài đời hay trên sân khấu, trang phục truyền thống cũng cần phải được mọi người trân trọng bằng cách sử dụng chúng một cách phù hợp.
Đó không chỉ là những bộ trang phục để thích ứng với điều kiện tự nhiên, mà còn là kết tinh của văn hóa từ lựa chọn thẩm mỹ đến gửi gắm tâm hồn, quan niệm về thế giới và con người, thậm chí còn là quy ước về vị trí xã hội, tuổi tác của mỗi cá nhân.
Không thể chấp nhận việc nhân danh sáng tạo nghệ thuật để rồi làm biến dạng, khiến trang phục truyền thống trở nên phản cảm, thô tục… Điều này đặt ra yêu cầu đối với mỗi nhà thiết kế khi bắt tay cải biên, cách tân trang phục truyền thống để phù hợp với điều kiện sống và nhu cầu của người dùng là phải có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, trên cơ sở đề cao nền tảng văn hóa và tinh thần dân tộc.
Mọi sự cách tân đều có giới hạn, đi quá giới hạn đó sẽ khiến trang phục truyền thống bị biến dạng, méo mó, hậu quả là sự nhìn nhận lệch lạc của các thế hệ sau về các giá trị truyền thống thông qua trang phục.