Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 29
Việt Nam ủng hộ đối với các sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Indonesia trong năm Chủ tịch ASEAN 2023, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN khác để thực thi các mục tiêu chung của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Ngày 22/3, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM Retreat) lần thứ 29 đã diễn ra tại Magelang, tỉnh Trung Java của Indonesia.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN và Timor Leste với tư cách quan sát viên. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu tham dự hội nghị cùng đại diện các Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao.
Tại hội nghị, Bộ trưởng các nước ASEAN đã thông qua 7 sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Indonesia trong năm Chủ tịch ASEAN 2023, tập trung vào 3 định hướng chính gồm Hồi phục và Tái thiết: Tái thiết tăng trưởng khu vực thông qua việc kết nối thị trường và nâng cao tính cạnh tranh; Kinh tế số: Đẩy nhanh việc chuyển đổi và tham gia kinh tế số một cách bao trùm; và Sự bền vững: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho một tương lai bền bỉ.
Hội nghị cũng thống nhất các ưu tiên năm 2023 ở kênh kinh tế, tập trung vào lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, thuận lợi hóa di chuyển của lao động có tay nghề và khách kinh doanh, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử; doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa…
Các Bộ trưởng đã ghi nhận tình hình đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), tình hình triển khai nghiên cứu Hiệp định khung về Kinh tế số ASEAN (DEFA) hướng đến việc khởi động đàm phán hiệp định này vào tháng 9/2023, các khuyến nghị của Nhóm Đặc trách Cấp cao ASEAN về Hội nhập Kinh tế nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, cũng như các kết quả tích cực trong quá trình thực hiện Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2025, theo đó ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 thế giới với tổng kim ngạch thương mại đạt 3.340 tỷ USD. Các Bộ trưởng nhất trí bố trí nguồn lực cho việc thúc đẩy và hoàn tất cơ bản đàm phán nâng cấp ATIGA theo lộ trình đặt ra.
Về hợp tác kinh tế ngoại khối, các Bộ trưởng đã thảo luận về định hướng ưu tiên trong đàm phán thương mại của ASEAN, việc thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), trong đó tập trung vào mục tiêu thành lập Bộ phận hỗ trợ thực thi RCEP nằm trong Ban Thư ký ASEAN trong năm 2023 và đẩy nhanh thảo luận nhằm xây dựng quy trình gia nhập RCEP.
Các Bộ trưởng cũng nghe báo cáo về tình hình gia nhập ASEAN của Timor Leste và có phiên tham vấn với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN nhằm trao đổi về các khuyến nghị của hội đồng trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, phát triển bền vững, an ninh lương thực, tự cường y tế, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư nhằm thúc đẩy thương mại, củng cố chuỗi cung ứng khu vực và thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại hội nghị, Việt Nam đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Indonesia trong năm Chủ tịch ASEAN 2023, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN khác để thực thi các mục tiêu chung của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Việt Nam cũng nhấn mạnh việc các nước ASEAN cần thúc đẩy hội nhập kinh tế nội khối thông qua việc ưu tiên đàm phán nâng cấp ATIGA nhằm đảm bảo rằng, sau khi được nâng cấp, hiệp định này mang tính hiện đại, hướng tới tương lai và đáp ứng tình hình mới của khu vực và toàn cầu.
7 sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế (PED) của Indonesia
Các PED này bao gồm Khuôn khổ tạo thuận lợi cho dịch vụ ASEAN (ASFF); Ký kết Nghị định thư sửa đổi lần thứ 2 Hiệp định thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA); Thành lập Bộ phận hỗ trợ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta; Sáng kiến về các dự án công nghiệp ASEAN.
Các PED còn lại bao gồm Thực thi đầy đủ mẫu D điện tử thông qua Cơ chế một cửa ASEAN; Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về phát triển Khuôn khổ Kinh tế Kỹ thuật số ASEAN (DEFA); Lộ trình hài hóa hóa các tiêu chuẩn ASEAN nhằm hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).