Lớp học “đặc biệt” giúp phụ nữ Xơ Đăng xóa mù chữ
Mấy tháng qua, cứ vào tối thứ 3, 5 hằng tuần, lớp học “đặc biệt” tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú cấp 1 - 2 Măng Bút II, xã Măng Bút, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đều sáng đèn và vang tiếng đánh vần ngọng nghịu của những phụ nữ Xơ Đăng đã ngoài 30 đi tìm con chữ.
Ngoài 30 vẫn “đi tìm” con chữ…
Sau một ngày làm việc vất vả trên nương, bà Y Phiên (54 tuổi, làng Đăk Chun, xã Măng Bút) vội vã trở về nhà chuẩn bị cơm nước cho gia đình. Sau đó đúng 18h thứ 3, 5 hàng tuần bà Phiên lại bắt đầu chuẩn bị bút vở, mang theo chiếc đèn pin lọ mọ đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú cấp 1 - 2 Măng Bút II để tìm con chữ.
Vì điều kiện của gia đình bà trước kia rất khó khăn, nên cha mẹ chẳng có điều kiện cho bà đến trường để học. Hàng ngày, bà nói bằng tiếng Xơ Đăng rồi bập bẹ, học lỏm thêm vài câu phổ thông để giao tiếp. Mỗi khi làm giấy tờ hay thủ tục, bà Phiên phải nhờ con, cháu hoặc cán bộ xã hỗ trợ.
Trao đổi với phóng viên bà Phiên cho biết, bà có 2 người con, đứa lớn là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế, con thứ 2 đang học lớp 11 - Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum. Năm học nào con cũng có Giấy khen đưa về, nhưng bà chẳng biết trên đó viết gì. Không biết chữ, hỏi thì ngại nên chẳng dám khoe với bà con xóm giềng.
“Bao nhiêu năm nay tôi luôn ao ước được đi học để biết đọc, biết viết. Muốn chính tay mình viết tên mình, tự kí tên khi làm thủ tục, giấy tờ vì xưa nay chỉ toàn điểm chỉ, lăn tay. Cả nhà ai cũng biết chữ, các con đều học giỏi và có giấy khen. Mình làm mẹ không biết chữ thì con cái ngại với bạn bè lắm. Chính vì thế, từ khi được chính quyền vận động, nhà trường mở lớp học xóa mù chữ tôi rất mừng và đã đăng ký tham gia ngay”, bà Phiên nói.
Trong không gian im ắng, chỉ có tiếng lật sách vở, tiếng bút sột soạt của những người phụ nữ Xơ Đăng lần đầu học chữ, cô Ái Nga – Giáo viên Trường PTDTBT cấp 1 - 2 Măng Bút II đi một vòng quanh lớp kiểm tra vở của từng học viên. Gặp chữ khó, chị Y Biên (35 tuổi) cười ngượng, nhờ sự hướng dẫn của giáo viên, cô Nga cầm tay chị Biên uốn nắn từng nét chữ.
Cô Nga đọc mẫu lần lượt từng chữ, thế rồi 25 người phụ nữ đồng thanh theo. Mỗi khi cả lớp phát âm chưa đúng cô Nga nhẹ nhàng hướng dẫn để học viên nói tròn vành rõ chữ hơn. Cứ thế tiếng ê a đọc bài vang vọng cả trường.
Trao đổi với phóng viên, cô Ái Nga cho biết, dạy cho các bà, các mẹ kiến thức của học sinh lớp 1, thế nhưng giáo án lại chẳng giống nhau. Bởi có những người học rất nhanh, mỗi buổi học được 2-3 chữ cái. Nhưng có học viên phải vài ngày mới viết thạo một chữ, nên mình phải ân cần, kiên trì hướng dẫn để bà con không xấu hổ, tự ti mà bỏ học.
“Lớp xóa mù chữ được mở, bà con hào hứng và chăm chỉ đến học lắm. Mình dạy những học viên đặc biệt này như hướng dẫn trẻ vào lớp 1. Dù lớn tuổi vẫn chưa biết đọc, biết viết nhưng các cô rất siêng năng và ham học. Mình thấy rất vui và hạnh phúc, vì đó là sự nỗ lực không ngừng của bà con. Mình chỉ mong học viên đến lớp đều, kiên trì học đọc - viết, sau này có thể phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, làm gương để con cháu cố gắng phấn đấu học tập”, cô Nga nói.
Quan tâm, tạo điều kiện cho bà con biết chữ
Tương tự như bà Y Phiên, Y Xanh đến nay đã gần 40 tuổi nhưng vẫn không biết đọc, biết viết. Ngay cả những phép tính đơn giản khi mua mớ rau, quần áo hay bán nông sản chị Xanh cũng chẳng rành.
Thế nhưng, mấy ngày qua được cô giáo Nga dạy, quyển vở trắng phát hôm khai giảng của chị Xanh nay đã lấp đầy chữ cái. Ngày lên nương, chiều về chị tranh thủ lo công việc gia đình rồi lên lớp học chữ. Thương chị thiệt thòi, chồng chuẩn bị cơm nước rồi dọn dẹp nhà cửa để vợ có thời gian ôn bài.
Ngoài giờ lên lớp, người con út của chị Xanh là Y Nguyệt năm nay lên lớp 4 hướng dẫn mẹ viết chữ. Cô con gái nhỏ viết chữ cái mẫu vào vở rồi cầm tay mẹ nắn nót tô theo. “Ban đầu khi con dạy mình ngại lắm, nhưng để biết chữ thì phải cố gắng. Qua mấy ngày mình đã viết được những chữ cái đơn giản nhưng đánh vần vẫn còn chưa rõ. Mình sẽ cố gắng học chữ để tính toán, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất và làm gương để con cháu noi theo”, chị Xanh bộc bạch.
Ông Võ Xuân Tựu - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông cho biết, để thuận lợi trong công tác dạy học, Phòng đã phối hợp với các trường trên địa bàn phân công giáo viên dạy và bố trí về cơ sở vật chất. Những lớp học xóa mù chữ được mở vào các tối thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần. Khi đến lớp người dân sẽ được hỗ trợ sách vở, bút viết… Sau khi hoàn thành khóa học từ lớp 1 đến lớp 3 trong vòng 16 tháng mỗi người dân sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng. Số tiền tuy không nhiều, nhưng là sự động viên, khích lệ tinh thần bà con cố gắng học tập để biết đọc, biết viết.
Còn ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho hay, xóa mù chữ là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nên thời gian qua UBND huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành và cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương với ngành Giáo dục để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xóa mù chữ.
Huyện cũng đặc biệt quan tâm, chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, đảm bảo đáp ứng đủ phòng học an toàn, công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, bếp ăn,... cho các trường học. Đồng thời tiếp tục đầu tư, bổ sung kinh phí mua sắm đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dạy, học.
Hiện, trên địa bàn huyện đã có 4 lớp xóa mù chữ được mở tại các xã Đăk Ring, Măng Bút, Hiếu và Ngọk Tem, thu hút 116 học viên tham gia. Tất cả học viên đều là người dân tộc thiểu số có độ tuổi từ 20 đến 69.