Bình Định: Khẳng định thương hiệu “thủ phủ cây ăn quả” Hoài Ân
Huyện trung du Hoài Ân (tỉnh Bình Định) không chỉ được biết đến là “vựa heo miền Trung” mà còn là “thủ phủ cây ăn quả”. Nhờ thành công trong việc triển khai dự án hỗ trợ phát triển cây trồng thế mạnh, nhiều nông dân Hoài Ân đã đổi đời, có thu nhập ổn định.
Ngày 21/3, UBND huyện Hoài Ân đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án hỗ trợ phát triển cây trồng có thế mạnh trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2022.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện dự án, diện mạo ngành nông nghiệp của huyện đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, tạo chỗ đứng nhất định trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Đáng chú ý, công tác quy hoạch được chú trọng, phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương. Đến nay, tổng diện tích quy hoạch trên 1.594 ha; trong đó: cây bưởi da xanh 859,6 ha; cây Bơ: 465,8 ha; cây chè 42,5 ha; cây dừa xiêm 112,0 ha; cây sầu riêng 30 ha; cây cam, quýt 44,5 ha; cây thanh long ruột đỏ 40 ha…
Qua hơn 5 năm triển khai dự án (2016-2022), đã có 75 hộ và hợp tác xã nông nghiệp tham gia với tổng diện tích 75,54 ha/90 ha, đạt 83,9 % kế hoạch dự án.
Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 3,667 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách 2,667 tỷ đồng; vốn quỹ hỗ trợ phát triển nông nghiệp 1 tỷ đồng). Ngoài ra, dự án còn có nguồn vốn tham gia đối ứng của người dân trên 12 tỷ đồng. Chính nhờ sự lan tỏa của dự án đã góp phần nâng tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện trên 3.120 ha.
Đặc biệt, cùng với việc tập trung phát triển sản xuất, công tác xây dựng nhãn hiệu cũng được chú trọng. Đến nay, “Bưởi Hoài Ân”, “Trà Gò Loi”, “Dừa xiêm Hoài Ân” được được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận nhãn hiệu tập thể (hai sản phẩm đang chờ chứng nhận là Mít thái Hoài Ân và Tiêu hột Hoài Ân). Ngoài ra, có 25 sản phẩm được UBND tỉnh Bình Định đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao.
“Đây chính là cơ sở để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng và tăng tính cạnh tranh trên thị trường”, ông Nguyễn Hữu Khúc nói.
Trong năm 2022, huyện Hoài Ân đã tổ chức thành công Ngày hội Nông sản lần thứ nhất. Đây là ngày hội nông sản lần đầu tiên được tổ chức trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Bên cạnh đó, huyện Hoài Ân cũng đã thành lập mới 4 hợp tác xã chuyên ngành gồm: HTX Thanh Niên; HTX Trà Gò Loi; HTX 19-4; HTX công nghệ cao La’s Farm nhằm thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Với những kết quả đã đạt được, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân yêu cầu, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyệntham mưu UBND huyện tiếp tục triển khai trồng trên diện tích quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả.
Bên cạnh đó, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, quy mô tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đảm bảo điều kiện để xây dựng và cấp mã số vùng trồng hướng đến xuất khẩu một số sản phẩm, trước hết là bưởi da xanh, dừa xiêm.
Ngoài ra, vận động người dân mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh, dừa xiêm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Kiểm tra hướng dẫn các hộ dân tăng cường chăm sóc, bón phân, xử lý dịch bệnh trên cây trồng, đảm bảo đạt năng suất, chất lượng.