Ung dung nhìn người khác chết
Đời sống - Ngày đăng : 10:29, 20/07/2013
Khi người ta thản nhiên nhìn người khác chết, cũng có nghĩa là cái chết đang ở ngay bên cạnh họ. Khi cả xã hội rơi vào trạng thái vô cảm, cái xã hội đó đang để tương lai phía sau mình và sự rủi ro nằm sẵn ngay trên giường của mỗi phòng ngủ.
Đầu đề bài viết này không phải là sáng tạo của cá nhân tôi. Tôi đã nhặt được nó một cách dễ dàng trên mạng khi tìm hiểu về các vụ chết người, có vụ thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng với số lượng lớn, mà không ai phải chịu trách nhiệm? Năm nào cũng xảy ra những chuyện rụng rời như vậy. Có năm tới vài vụ. Sự kiện em sinh viên Đinh Thị Phương Thảo tử vong vì bị nước cống cuốn trôi ngay giữa trung tâm một thành phố hiện đại nhất nước, hoá ra không phải là trường hợp hi hữu. Chỉ cần bóp chán chút xíu để huy động bộ nhớ cũng có thể kể ra hàng trang danh sách những vụ chết người kiểu như vậy, nghĩa là người chết không biết vì sao mình phải chết, còn người gián tiếp gây ra cái chết đó thì vẫn cứ nhăn nhở cười nói, ung dung thanh thản sống những ngày tháng tươi đẹp, không bị cắn dứt mảy may.
Cách đây dăm bảy năm, một thiếu phụ bị điện giật chết khi vô tình đi sát cột điện tại một khu phố cũ của Hà Nội. Không ai phải chịu trách nhiệm lương tâm hay hình sự về cái chết đau lòng đó. Cái cột điện cũ nát thì nó phải dò điện-đơn giản thế, mọi người đều biết tại sao nạn nhân không biết để tránh xa nó ra! Giả sử có lời bào chữa vô tâm như vậy trước một phiên toà giả định, thì người nói cũng là kẻ vô hình. Vì không có công cụ để có thể gọi ra đích danh tên tuổi của họ. Nó được mặc định là vô hình với các trường hợp tương tự từ trong cấu trúc của quy chế trách nhiệm hiện hành. Khỏi cãi!
Vừa mới năm ngoái, một cây xà cừ quá nặng phần ngọn, bật gốc đổ trên đường Lò Đúc, đè chết tươi một lái xe taxi. Nó được mặc nhiên coi là tai nạn thông thường. Thì mưa bão, cây đổ, ai mà ngăn ngừa được! Kẻ nào xấu số thì đành chấp nhận thiệt thân. Nhưng nếu là ở một đô thị khác tại một đất nước văn minh, luật pháp rạch ròi, mọi vấn đề đều quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, thì phải có ai đó mất chức, ra toà, bị phạt tiền... Người ta sẽ không dễ dàng chấp nhận lời bào chữa cây đổ khi có cơn giông là thảm hoạ khách quan, nằm ngoài mọi sự lường trước. Còn ở ta, mặc dù mỗi năm chi nhiều tỉ cho việc kiểm tra, cưa cắt cành cây trước mỗi mùa mưa bão để nó không bị đổ khi gặp gió to, nhưng chết vì đổ cây thì đừng mơ quy trách nhiệm cho ai, mà nên tự trách mình, rằng ai bảo mưa bão lại cứ ra đường! Thậm chí ngay cả thân nhân người chết cũng mặc nhiên coi đó chỉ là thiên tai!
Trước khi vụ em Thảo bị chết oan uổng chỉ vì một cái cống giống như cái bẫy rất nhiều người biết, đã có không ít trường hợp chết vì cái hố nước do các đơn vị thi công công trình tạo ra và chúng đều được báo chí lên tiếng với mục đích cảnh báo rất mạnh mẽ. Sau đây chỉ là vài ví dụ:
Hai bé trai chết đuối ở hố cải tạo dự án kênh Ba Bò, TP HCM –ít nhất ba chục tờ báo viết, báo mạng vào cuộc, chưa kể hàng ngàn trang cá nhân link bài chuyển cho nhau.
Hai đứa trẻ chết tại công trình kè chắn sóng biển Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng-cũng không biết bao nhiêu tờ báo, trang mạng giật tít lớn, chạy nhiều ngày.
Hai cháu bé chết đuối do lỗi của đơn vị thi công tuyến đường 11 là liên danh LICOGI và CAPTRACO.
Ba cháu bé chết đuối bởi một hố nước do đơn vị thi công công ty CP cầu, hầm Đông Hải tạo ra, tại thôn Thạch Lỗi - xã Thanh Xuân - huyện Sóc Sơn - TP. Hà Nội…
Những sự kiện như vậy, báo chí và dư luận đều quan tâm nhiều ngày liền. Nhưng cũng chỉ ở mức quan tâm suông vậy thôi. Bởi việc lớn hơn, mang tính ngăn ngừa thực sự là phải có ai đó bị trừng phạt, thì lại không thuộc thẩm quyền của dư luận. Có lẽ vì thế mà chuyện đau lòng cứ lặp đi lặp lại, như là điều không thể loại bỏ.
Những vụ tai nạn chết người thương tâm vừa nêu, đều có nguyên nhân từ sự vô trách nhiệm của các đơn vị thi công và sau khi sự việc xảy ra, mặc gia đình nạn nhân đau đớn, mặc dư luận lên tiếng, kẻ thủ phạm không chỉ vô can, mà còn ung dung đứng ngoài cuộc.
Giờ trở lại vụ nữ sinh Đinh Thị Phương Thảo bị cuốn xuống rạch Suối Nhum và tử nạn. Cuộc đời phơi phới tương lai của cô tân khoa bị cắt ngang chỉ vì một cái cống nước không được rào chắn hay đặt biển cảnh báo-những việc mang tính bắt buộc và cũng rất dễ làm. Ai trong trường hợp của em thì cũng sẽ phải chết. Bởi vì khu vực nguy hiểm đó hoá ra đã được phản ánh nhiều lần, do đã có nhiều khách qua đường vào lúc trời mưa bị nước cuốn trôi, đến nỗi người có tên là Hoàng “Không nhớ đã bao nhiêu lần nhảy xuống con suối này cứu người rồi nữa” nhưng không một ai động lòng. Không một ai cả! Những người có trách nhiệm thì chừng nào gia đình, vợ con họ còn an toàn do không phải đi qua đoạn đường đó, thì họ chẳng việc gì phải vội. Những người thuộc số nạn nhân tiềm ẩn thì chỉ cần mình may mắn là đủ. Điều đó đang nói lên thứ còn nguy hiểm hơn, đó là sự vô cảm trước tính mạng của người khác đang trở thành bình thường trong xã hội.
Sau khi em Thảo chết tức tưởi, ta hãy nghe sự “day dứt” lương tâm của ông giám đốc Trung tâm quản lý đô thị Đại học quốc gia (Thành phố HCM): “Vụ em sinh viên bị nước cuốn chết khiến tôi day dứt. Chúng tôi có một phần trách nhiệm, đó là khi nhận phản ánh đã không xử lý ngay, không gắn đèn chiếu sáng, tiến trình thi công chậm”.
Nghe cái ngữ điệu thản nhiên ấy, có cảm giác người nói đang day dứt về cái chết của một con gà! Hay mạng người ở cái đất nước này cũng chỉ rẻ như gà. Bởi vì, nếu nó có giá hơn thì người ta đã không hững hờ, dửng dưng, lạnh lùng trước cái chết biết trước của người khác như vậy.
Nhưng đó có lẽ là những lời bàn thừa. Bởi vì, lại như những vụ trước, sẽ chẳng có ai phải “day dứt” lâu hơn quãng thời gian từ sự kiện đó đến khi xảy ra vụ tương tự tiếp theo.
Cho đến nay chưa một ai bị quy là thủ phạm gây nên những cái chết vừa kể. Những đại gia thì dùng tiền để lo trên, lót dưới, ém dư luận sao cho mọi chuyện qua đi. Những người khác thì bám lấy lập luận rủi ro trong thi hành công vụ là chuyện khó tránh để bào chữa cho hành vi thực chất phải bị quy là tội phạm của mình. Còn lại thì đá trách nhiệm hết chỗ này sang chỗ khác, với đủ thứ lý do, cho đến khi sự việc không còn thu hút quan tâm của dư luận rồi tìm cách cho chìm xuồng. Kết quả cuối cùng luôn chỉ là “rút kinh nghiệm”. Người chết thì chết rồi. Thân nhân của họ thì biết thừa chẳng thể đủ sức, đủ tiền bạc mà đòi công lý. Mà đòi ở đâu nơi trời cao đất dày này! Trên thực tế, với kiểu quy định trách nhiệm chung chung như hiện nay, cũng rất khó có thể đưa được kẻ chịu trách nhiệm ra toà.
Nhưng hiện thực đó, cho dù rất đau lòng, có thể chưa phải là hậu quả lớn nhất. Sau những gì đã xảy ra, điều đáng sợ hơn đang thành hiện thực mang tính toàn xã hội: Đó là sự vô cảm tập thể, đi kèm theo nó là thói quen coi rẻ mạng sống của người khác. Từ việc không có hàng rào quanh những hố thi công, không đặt biển báo, không lắp đèn chiếu sáng, không làm lan can, không trang bị phao cứu sinh, bình chữa cháy…vì chúng tốn kém, ảnh hưởng tới lợi nhuận cho đến hành vi cẩu thả khi tham gia giao thông, chế biến thực phẩm thối, độc hại, bán sữa có chất gây ung thư, dùng bạo lực với con trẻ mới có vài tháng tuổi…đều là biến thái của thói quen coi thường mạng sống người khác.
Buồn thay, những hành vi còn hơn cả tội ác ấy lại cứ sẵn có đất mầu mỡ, nhiều chỗ bị bỏ hoang, để tự do phát triển: đó là tính mù mờ, hai mặt của những quy định pháp lý và sự ngăn chặn không tương xứng từ phía toàn xã hội.