Sức Khỏe

Bị tâm thần phân liệt, nam thanh niên ám ảnh bị người nhà theo dõi, mưu hại

Thảo Nguyên 21/03/2023 16:25

Nam thanh niên 32 tuổi, được gia đình đưa tới viện khám vì luôn cho rằng mọi người muốn hại mình. Bệnh nhân được phát hiện bị tâm thần phân liệt

Anh H. (32 tuổi, quê Nam Định) là con thứ 2 trong nhà, chưa lập gia đình, sống cùng bố mẹ, anh trai và em gái. Anh hiền lành, hướng nội, ít bạn bè, học hết lớp 9, hiện làm thợ cắt tóc ở nhà.

Cách đây 2 năm, người nhà thấy anh H. chậm chạp hơn, ít nói, hay mệt hơn, ngại giao tiếp hơn ngay cả với anh em họ hàng, thường tránh các buổi liên hoan tụ tập. Người nhà cho rằng anh H. bị trầm cảm, muốn đưa đi khám nhưng anh H. không chịu.

9505dd89-fc3d-4aaf-bb02-b728169c9520.jpeg
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân điều trị rối loạn tâm thần

Tình trạng kéo dài khoảng 2 tháng, anh H. thỉnh thoảng cáu gắt không hợp lý, có lúc lại lẩm bẩm một mình không rõ nội dung. Trầm trọng hơn khi anh H. cho rằng người nhà đang theo dõi, giám sát, thậm chí âm mưu hại mình.

Đến lúc này, người nhà buộc phải cưỡng chế đưa vào Viện sức khoẻ tâm thần Bạch Mai khám. Tại đây, anh H. được chẩn đoán bị Tâm thần phân liệt thể paranoid.

Sau 25 ngày điều trị, anh dần ổn định, được ra viện, tiếp tục điều trị ngoại trú, tái khám và điều chỉnh liều. Ở nhà, anh H. dần ổn định sinh hoạt. Ban đầu anh tự sinh hoạt cá nhân và giúp đỡ gia đình việc nhà, sau đó đi làm trở lại được.

Tuy nhiên sau đó bệnh nhân cho rằng mình đã khỏi bệnh, dừng tái khám và tự ý dừng thuốc khoảng 4 tháng.

Một thời gian sau, bệnh nhân gặp nhiều mâu thuẫn, căng thẳng trong công việc nên thường đi uống rượu. Sau đó, H. tái phát bệnh với biểu hiện như đợt đầu tiên. Thậm chí, bệnh nhân còn luôn nghe thấy tiếng nói trong đầu mình là kẻ kém cỏi, vô dụng…

Theo BSCKII Vương Đình Thủy - Viện Sức khoẻ tâm thần, Bạch Mai, bệnh nhân tâm thần phân liệt không điều trị sẽ để lại những hậu quả khó lường. Bệnh nhân tâm phân liệt trong cơn hoang tưởng, ảo giác có thể gây tổn hại, tấn công người xung quanh và gây tổn thương cho chính mình.

BSCKII Ngô Văn Tuất - Trưởng phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện sức khoẻ Tâm thần Bạch Mai cho biết thêm, tâm thần phân liệt là loại bệnh loạn thần nặng, tiến triển từ từ, khuynh hướng mạn tính, căn nguyên chưa rõ ràng.

Triệu chứng thường gặp như tách dần khỏi cuộc sống bên ngoài, thu dần vào thế giới bên trong, tình cảm khô lạnh, học tập làm việc sút kém, hành vi, ý nghĩ kỳ dị khó hiểu. Tái phát là sự trở lại hoặc trầm trọng hơn của các triệu chứng sau một thời gian thuyên giảm.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 24 triệu người mắc tâm thần phân liệt. Tại Việt Nam, số người mắc bệnh này chiếm khoảng 0,3-0,5% dân số.

Bệnh thường khởi phát thường xuyên nhất vào cuối tuổi vị thành niên và những năm 20 tuổi. Xu hướng xảy ra sớm hơn ở nam giới so với nữ giới. Bệnh làm tăng nguy cơ tử vong sớm cao gấp 2-3 lần so với dân số chung.

"Tâm thần phân liệt có nguy cơ tái phát cao dao động từ 50-92% trên toàn cầu. Tỷ lệ tái phát ở bệnh nhân tâm thần phân liệt sau đợt loạn thần đầu tiên trong 5 năm đầu tới 80%. Bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều lần tái phát. Nguyên nhân bệnh tái phát thường liên quan tới không tuân thủ thuốc điều trị, dùng thuốc chất kích thức, sang chấn tâm lý…", BSCKII Ngô Văn Tuất nói.

Cũng theo BS Tuất, người mắc tâm thần phân liệt xảy ra tái phát hậu quả thường rất nặng nề. Mỗi lần tái phát gây tổn thương dẫn tới teo não tiến triển, thời gian điều trị kéo dài, khó điều trị, đáp ứng thuốc kém.

Nếu can thiệp muộn, còn tăng nguy cơ bệnh nhân tự sát, ngoài ra, trong giai đoạn cấp, bênh có thể hoang tưởng, ảo giác, dễ kích động dẫn tới có hành vi gây tổn hại đến người xung quanh, do luôn nghĩ "mọi người hại mình" hoặc "nghe tiếng nói sai khiến trong đầu"…

"Dù đây được coi là bệnh loạn thần nặng nhưng nếu được phát hiện sớm, được khuyến khích chủ động đến khám đúng chuyên khoa và duy trì điều trị với sự đồng hành từ chính gia đình, các bệnh nhân tâm thần phân liệt hoàn toàn có cơ hội sống, làm việc như mọi người", BS Tuất khẳng định.

Thảo Nguyên