Gỡ khó cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ vướng quy định PCCC
Mùa du lịch tại xứ Thanh năm 2023 đang được khởi động, nhất là các khu du lịch ven biển. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú đang đứng ngồi không yên do vướng các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Trong thời điểm khó khăn, nếu không tập trung tháo gỡ sẽ khiến các đơn vị đứng bên bờ vực phá sản.
Cơ sở lưu trú "ngồi trên đống lửa" vì vướng quy định PCCC
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, qua rà soát, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 2.540 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Trong đó: loại hình khách sạn, nhà nghỉ là 1.288 cơ sở; loại hình nhà trọ, homestay, biệt thự, nhà liền kề cho thuê tại các khu du lịch là 1.252 cơ sở.
Các cơ sở này tập trung chủ yếu tại các khu du lịch biển như: TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Hoằng Hóa (1.316/2.540 cơ sở chiếm 51,8%).
Công an tỉnh và UBND cấp xã đã tổ chức kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 513 của Bộ Công an với 2.335 lượt cơ sở, xử lý vi phạm quy định về PCCC&CNCH là 207 trường hợp với tổng số tiền phạt 697.100.000 đồng; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với 13 cơ sở, tạm dừng hoạt động.
Chưa thực hiện được việc kiểm tra, ghi nhận 205 cơ sở đang hoạt động theo mùa, chủ yếu tại các khu du lịch biển.
Vi phạm phổ biến của loại hình cơ sở này là quy định về PCCC trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Chỉ tính riêng đối với 1.262 cơ sở lưu trú tại các khu du lịch thì có 81 cơ sở chưa thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đã đi vào hoạt động (lỗi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện tạm đình chi, đình chỉ hoạt động); 517 cơ sở không đảm bảo đường lối thoát nạn; 79 cơ sở không đảm bảo điều kiện về ngăn cháy lan, 160 cơ sở chưa đảm bảo phương tiện về PCCC&CNCH.
Để khắc phục các tồn tại nêu trên, trước hết chủ cơ sở phải làm lại các giấy tờ pháp lý trong hoạt động đầu tư, xây dựng ban đầu; đồng thời, cơ sở có thể phải phá bỏ hạng mục công trình, thay đổi công năng hiện tại, cải tạo, xây dựng mới để phù hợp giấy tờ pháp lý (pháp lý trong đầu tư xây dựng ban đầu của cơ sở không còn phù hợp, do xây dựng quá mật độ xây dựng, quá số tầng, chiều cao. quy hoạch) hoặc để đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC theo quy định hiện hành.
Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thanh Hóa Cao Thiện Tâm cho hay: “Sau thời điểm dịch Covid-19 các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú đang rất khó khăn. Chính phủ, các đơn vị đã nhanh chóng chuyển trạng thái để thích ứng an toàn. Tuy nhiên khó khăn của doanh nghiệp, đơn vị hiện nay là vướng các quy định về PCCC mới. Cái này cần có thời gian, lộ trình để doanh nghiệp, chủ cơ sở điều chỉnh, khắc phục. Các cơ quan, ban, ngành cần sớm tìm cách tháo gỡ để các đơn vị chấp hành quy định của pháp luật nhưng cũng thông thoáng, đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động".
100% quán karaoke, bar phải đóng cửa
Qua thống kê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 852 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường và các loại hình tương tự.
Cụ thể: có 838 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; 14 cơ sở là vũ trưởng, Pub, Lougne... Cơ quan Công an quản lý 289 cơ sở; UBND cấp xã quản lý 563 cơ sở.
Công an tỉnh và UBND cấp xã đã tổ chức 1.746 lượt kiểm tra đối với 100% số cơ sở; xử lý vi phạm hành chính 415 trường hợp, 567 hành vi vi phạm, tổng tiền phạt 1.221.850.0 đồng.
Tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt hoạt động 11 cơ sở; thu hồi hoặc vận động cơ sở tự giao nộp 423 giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự.
Hiện tại, 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, bar và loại hình tương tự đều đang bị yêu cầu dừng hoạt động do bị đình chỉ hoặc dừng hoạt động để cải tạo, khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC.
Nguyên nhân của các vi phạm này là do ý thức của một bộ phận chủ đầu tư chưa thật sự quan tâm đến hoạt động PCCC. Phần lớn cơ sở đều chuyển đổi mục đích xây dựng từ nhà ở sang kinh doanh karaoke hoặc vừa để ở, vừa kinh doanh karaoke dẫn đến chưa đảm bảo việc chấp hành các quy định về PCCC.
Các cơ sở kinh doanh karaoke đều là những cơ sở có quy mô nhỏ, do cá nhân thành lập, kinh doanh nên điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, dẫn đến khi khắc phục các tồn tại về PCCC phải đầu tư kinh phí lớn, nhiều công sức, chủ cơ sở còn tâm lý may rủi, e ngại, không muốn làm.
Việc chấp hành các quy định về PCCC là rất cần thiết do liên quan tới sự an toàn của người dân, khách hàng. Trong quá trình kiểm tra, giám sát các đơn vị chức năng cần hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho cơ sở, doanh nghiệp khắc phục nhanh chóng, phù hợp với tình hình thực tế.