Yếu tố rủi ro đối với ngành thép năm 2023
Chi phí nguyên liệu, thị trường bất động sản là hai yếu tố chính mà ngành thép phải đối diện trong năm 2023.
Thông thường, thị trường xây dựng đầu năm khá sôi động nhờ các dự án đầu tư công, bất động sản và xây dựng dân dụng. Tuy nhiên, năm nay tiêu thụ thép trong hai tháng đầu năm lại có xu hướng giảm so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thành phẩm tháng 2 đạt 2,35 triệu tấn, tăng 22% so với tháng 1/2023 nhưng giảm 9% so với cùng kỳ 2022. Tiêu thụ thép các loại đạt 2 triệu tấn, tăng 18% so với tháng trước nhưng giảm 19% so với tháng 2/2022.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt gần 4,3 triệu tấn, giảm 16%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 3,8 triệu tấn, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và Mirae Asset dự báo, ngành thép sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, đồng thời cũng chỉ ra, nguyên liệu đầu vào là yếu tố rủi ro mà ngành thép phải đối diện trong năm 2023.
Số liệu của VSA cho thấy đầu tháng 3, giá than mỡ luyện cốc, thép phế liệu, than điện cực graphite đều tăng cao so với tháng 2, điều này khiến các doanh nghiệp thép phải có động thái tăng giá sản phẩm để bù lỗ.
Một rủi ro khác đến từ việc thị trường bất động sản đóng băng. Trong năm 2023, các dự án bất động sản lớn đều triển khai rất hạn chế, qua đó ngành thép cũng trực tiếp bị ảnh hưởng sản lượng.
Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa kinh tế từ đầu tháng 1/2023, các nhà sản xuất thép Trung Quốc sẽ tích cực gia tăng tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu để bù đắp cho sự suy giảm sản lượng nội địa khi chính thị trường bất động sản Trung Quốc cũng trong tình trạng đóng băng từ 2021 đến nay.
Trong khi, Nghị định 101 của Chính phủ thông qua chủ trương tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép nếu trong trường hợp giá thép tăng quá cao nhằm góp phần ổn định nguồn cung phôi thép, hạn chế việc xuất khẩu phôi thép để giữ lại cho sản xuất trong nước. Điều này cũng sẽ tác động đến xuất khẩu phôi thép của Việt Nam.