Phiên họp thứ 46, UBTVQH: Chưa thông qua Pháp lệnh về đào tạo các chức danh tư pháp
Chính trị - Ngày đăng : 22:01, 08/03/2016
Xác định địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm
Tại phiên họp thứ 44 (ngày 16/1/2016), UBTVQH đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm nhân dân.
Về địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm, thẩm tra Quy chế này, Ủy ban Tư pháp cho rằng, đa số ý kiến cho rằng Đoàn Hội thẩm là một tổ chức tự quản của các Hội thẩm. Việc làm rõ địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm rất quan trọng, là cơ sở để quy định tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, dự thảo Quy chế đã được chỉnh lý quy định “Hội thẩm được tổ chức thành Đoàn Hội thẩm”. Đoàn Hội thẩm là một tổ chức tự quản của các Hội thẩm. Khi được bầu hoặc cử làm Hội thẩm thực hiện nhiệm vụ xét xử tại một Tòa án, Hội thẩm phải tham gia sinh hoạt tại Đoàn Hội thẩm nơi có Tòa án đó.
Thảo luận nội dung này, các Ủy viên UBTVQH băn khoăn việc có nên quy định về địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm hay không; có các chức năng như Đoàn Luật sư… hay không?
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, trong dự thảo Quy chế có các Trưởng, Phó đoàn nhưng lại không bàn gì đến Hội thẩm nhân dân có vai trò và trách nhiệm pháp lý như thế nào trong phiên tòa xét xử. Việc quản lý Đoàn Hội thẩm phải gánh trách nhiệm của TAND, vì liên quan đến Tòa án, công tác xét xử là chủ yếu… Trong khi đó, cơ quan chủ trì soạn thảo Quy chế là MTTQ Việt Nam lại vắng mặt tại phiên họp này, vì vậy nên để đến phiên họp sau thông qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân lý giải thêm về các căn cứ giới thiệu số lượng Hội thẩm của Tòa án. Theo đó, từ trước tới nay, Tòa án căn cứ vào số lượng án xét xử để giới thiệu để đảm bảo phiên tòa có hai Hội thẩm tham gia. Thực tế, Luật Tổ chức Tòa án cũ không quy định về Đoàn Hội thẩm, chỉ có quy định Hội thẩm, nhưng thực tế vẫn cử một người đại diện để giữ mối liên hệ giữa các Hội thẩm và Tòa án. Nếu UBTVQH đặt vấn đề về địa vị pháp lý Đoàn Hội thẩm, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét lại cho phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng tình và đề nghị, để Quy chế này lại UBTVQH sẽ xem xét thông qua vào phiên họp sau.
Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, mục đích ban hành Pháp lệnh nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho hoạt động đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; khắc phục hạn chế về chất lượng và những hạn chế, vướng mắc về hoạt động đào tạo trong thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới mô hình đào tạo các chức danh tư pháp.
Về việc giao nhiệm vụ đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, quá trình thẩm tra pháp lệnh này, đa số ý kiến thành viên UBTP đồng ý với ý kiến của Lãnh đạo VKSNDTC, TANDTC là không tán thành với quy định của Dự thảo Pháp lệnh về đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư vì cho rằng hiện nay đã có chủ trương cho các cơ sở đào tạo của TANDTC, VKSNDTC, Liên đoàn luật sư Việt Nam được đào tạo nghề của ngành mình. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập các trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Tòa án. Trong Dự thảo Pháp lệnh cũng đã quy định các cơ sở này được đào tạo riêng các chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban GDTTN&NĐ Đào Trọng Thi băn khoăn về loại bằng cấp mà các cơ sở này đào tạo là gì? Vì nếu là văn bằng như bằng đại học phải do Bộ GD&ĐT cấp và có giá trị vĩnh viễn, còn chứng chỉ thì chỉ có giá trị trong thời hạn nhất định, nên đề nghị làm rõ vấn đề này. Và như vậy thì không cần phải ban hành Pháp lệnh. Ông Thi cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm việc lại với Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH để có ý kiến chính thức từ cơ quan này.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường lý giải, trong dự thảo Pháp lệnh, Điều 20 có quy định giấy chứng nhận tốt nghiệp và giá trị của loại giấy này, tên gọi và người cấp. Đây là loại hình đào tạo sau đại học, tức cử nhân Luật mới có thể vào trường này, các nước trên thế giới đều đào tạo như vậy.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhận định, việc đào tạo các chức danh tư pháp là một yêu cầu thực tế, cần thiết; còn có cần thiết phải ban hành Pháp lệnh hay không phải bàn bạc kỹ. Và, khi ban hành Pháp lệnh, phải có giáo trình đào tạo, người quản lý công tác này… Nếu không hệ thống giáo trình này nếu không cẩn thận sẽ nằm ngoài chương trình giáo dục quốc dân.
Còn theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân, quá trình xây dựng Pháp lệnh này, Tòa án cũng đã tham gia nhiều lần. Năm 2012, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận giao chức năng đào tạo các chức danh tư pháp cho Tòa án, Viện Kiểm sát. Gần đây, Thủ tướng có quyết định thành lập Học viện Tòa án có chức năng đào tạo nghề Thẩm phán. Theo ông Thuân, Pháp lệnh này chỉ nên điều chỉnh Học viện tư pháp trong đào tạo các chức danh tư pháp và luật sư, nếu điều chỉnh cả lĩnh vực Tòa án, Viện Kiểm sát là chưa phù hợp. Học viên được đào tạo trong Học viên Tòa án phải qua quy trình rất chặt chẽ. Việc đào tạo Thẩm phán hiện nay chưa có đào tạo cho xã hội và đào tạo tự do. Đối tượng tuyển sinh phải có địa chỉ, và có tiêu chuẩn nhất định chứ không phải thí sinh tự do thi vào học nghề Thẩm phán. Về giảng viên, đây là cơ sở đào tạo nghề nên phải do chính người làm nghề giảng dạy. Tòa án đã bố trí những giảng viên có kinh nghiệm cả thực tiễn và chuyên môn tốt tham gia giảng dạy.
Trước các ý kiến còn khác nhau trong UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị lùi việc thông qua pháp lệnh này đến phiên họp sau và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm việc với các cơ quan liên quan và trả lời ý kiến các đại biểu trong phiên họp tới.
Buổi sáng, UBTVQH cũng đã thông qua Pháp lệnh về Quản lý thị trường. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016.