Đường sá "oằn mình" vì xe quá khổ, quá tải
Đời sống - Ngày đăng : 13:54, 28/01/2013
Nguyên nhân đã rõ nhưng để giải quyết triệt để vấn nạn này thì vẫn đang bỏ ngỏ thiếu sự quan tâm đồng bộ của các ban nghành chức năng?
Ra quân là có vi phạm
Thực hiện chỉ đạo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Thanh Hoá về việc kiểm tra, xử lý vi phạm về tình trạng xe chở quá khổ, quá tải ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông trên địa bàn, Thanh tra Sở GTVT Thanh Hoá đã mở nhiều đợt ra quân kiểm tra, xử lý các phương tiện vượt quá tải trọng trên các tuyến Quốc lộ và tỉnh lộ. Trong đó, tất cả các đợt kiểm tra đều phát hiện hàng chục phương tiện vi phạm về việc quá tải, quá khổ. Để ngăn chặn được tình trạng này cần có sự vào cuộc một cách kiên quyết của tất cả các ban nghành đối với những tình trạng chở quá khổ, quá tải đang có diễn biến phức tạp như hiện nay.
Thực hiện quyết định số 240/QĐ - GTVT ngày 03/05/2012 của Giám đốc sở về việc chấp hành Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính Phủ; Thông tư 14/2010/TT-BGTVT, ngày 24/06/2010 của Bộ GTVT về các quy định trong vận tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Thanh tra sở GTVT đã mở các đợt thanh tra, kiểm tra cụ thể: Đợt 1 từ 15/02/2012 đến 30/05/2012 đoàn thanh tra đã kiểm tra 10 doanh nghiệp. Trong đó có 6 DN xe buýt với 214 xe trên 17 tuyến. 5 DN taxi với 936 xe tiến hành xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm công tác đảm bảo an toàn giao thông và vi phạm do chở quá tải. Đợt 2 từ 11/06/2012 đến 22/06/2012; đã kiểm tra 18 DN, HTX kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trên các tuyến cố định gồm có 590 xe. Qua kiểm tra, đoàn đã tiến hành lập biên bản từng đơn vị vi phạm trong việc vận chuyển quá tải, xử phạt hơn 200 trường hợp.
Một xe chở quá tải đang đứng nép ven đường đợi lực lượng chức năng đi qua để tiếp tục hành trình
Cho đến ngày 17/12/2012 thanh tra sở GTVT Thanh Hoá đã lập 91 biên bản làm việc, 1.610 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 1.386 trường hợp, nộp kho bạc Nhà nước 1.233.980.000 đồng, tước giấy phép lái xe của 458 trường hợp. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2012 thanh tra Sở GTVT đã lập 111 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 240 trường hợp, nộp kho bạc Nhà nước 227.600.000.000, tước quyền giấy phép lái xe 89 trường hợp, nộp kho bạc nhà nước 240.500.000 đồng. Trong số những phương tiện bị kiểm tra có hàng trăm trường hợp vi phạm lớn với lỗi vượt quá trọng tải xe và đường từ 30% đến trên 40%, đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng xuống cấp hạ tầng giao thông trên địa bàn. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị đoàn công tác lập hồ sơ xử phạt nghiêm để răn đe, tuyên truyền, giáo dục cho mọi người để từ đó có ý thức chấp hành tốt hơn về việc chở quá khổ quá tải.
Việc quá tải làm hư hỏng nhiều tuyến đường trên địa bàn Thanh Hóa
Khó khắc phục tận gốc tình trạng quá tải
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này PV đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Ngọc Minh, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa, ông cho biết: Trong thời gian qua, ban Thanh tra đã thực hiện thanh tra, kiểm tra nhiều lái xe, chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp nhưng khi các lái xe, chủ doanh nghiệp phát hiện địa điểm đoàn công tác làm nhiệm vụ đã có thái độ chống đối, không hợp tác bằng cách không cho phương tiện ra khỏi bến bãi hoặc cho phương tiện vào các đường nhánh để lẩn trốn nhằm trốn chánh việc kiểm tra, tất cả chỉ vì chỉ vì lợi nhuận kinh tế. Đến khi đoàn công tác đi khỏi họ mới cho các phương tiện tiếp tục lưu thông nên đã thoát được việc bị kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhiều tài xế còn lợi dụng tình trạng giao thông tắc nghẽn để không chấp hành hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Bên cạnh đó cũng có hàng chục vụ lái xe còn chống đối lực lượng chức năng bằng nhiều cách khác nhau, đơn cử như ở thời gian gần đây có một số trường hợp khi biết rõ về đời sống riêng như gia đình của lực lượng chức năng chúng đã cho đầu gấu đến để đe dọa nên cũng có phần nào khó khăn khi đoàn tham gia làm việc tại các điểm nóng về vận chuyển quá tải như khu công nghiệp, hay trên các tuyến đường có các nhà máy thì việc chở nguyên liệu quá tải là rất lớn.
Ông phó Chánh thanh tra cũng thừa nhận, hiện nay, số phương tiện chở quá quy định theo thiết kế của xe và cầu đường bộ đã được cân và cả những phương tiện khác trốn kiểm tra tải trọng khi tham gia giao thông trên đường là nguyên nhân gây nên tình trạng rạn nứt, lún sụt mặt đường, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông trên địa bàn của không chỉ riêng ở Thanh Hóa mà chung của cả nước. Cũng theo ông Minh, hiện nay vấn đề phát hiện, xử lý xe chở quá khổ quá tải là không khó, chỉ cần nhìn mắt thường cũng có thể phát hiện được ngay, hay đưa xe lên bàn cân là rõ ràng hết. Thế nhưng, giải quyết tận gốc vấn đề đó mới là chuyện khó, theo quy định, xe chở quá tải buộc phải hạ tải, nhưng như vậy thì quá thách đố lực lượng chức năng vì khi bắt được xe quá tải rồi bắt họ san trọng tải ngay tại chỗ thì không có phương tiện, hoạc kho giữ những hàng hoá san trọng tải đó rất dễ gây ra việc tắc nghẽn giao thông cục bộ.
Do chở quá tải nên một số con đường bị hư hỏng nặng gây nên những tai nạn hết sức thương tâm
Cũng qua trao đổi được biết, Thanh Hóa là một tỉnh có lưu lượng xe tham gia giao thông trên các tuyến rất lớn, nhất là đối với tuyến QL1A nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được một trạm cân nào, mà hiện nay chỉ mới có hai cân di động nên việc đưa những trạm cân này đi di động để cân đo các xe chở là một chuyện khó khăn; hay khi đưa một xe có trọng tải hàng chục tấn lên để cân quả thực là rất khó vì nếu mang lên cân phải có địa hình và nhiều lý do khác nữa nên đã cản trở không nhỏ đến việc cân đo đối với lực lượng chức năng trong công tác xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người hợp đồng vận tải lại là chủ xe, trên hóa đơn có ghi trọng lượng hàng hóa, nhưng trên thực tế trọng lượng lại lớn hơn nhiều so với hoá đơn hiện có. Có nhiều trường hợp ngay cả lái xe cũng không biết được khối lượng thật của xe mình đang chở, nhưng lái xe vẫn là người bị xử lý vì là người tham gia giao thông và còn quá nhiều những vấn đề vướng mắc khác.
Để giải quyết triệt để vấn đề này thì chỉ có cách xử lý lỗi vi phạm đối với chủ xe, chủ doanh nghiệp, từ đó họ tự có trách nhiệm quy định trong khi hợp đồng với lái xe là không được chở quá tải. Bên cạnh đó cũng cần phải có một quy định chung rõ ràng về cước phí vận chuyển hàng hóa phải được áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước trong ngành vận tải. "Còn vẫn giữ nguyên cơ chế tự thỏa thuận như hiện nay thì có khi càng phạt nặng, lái xe càng cố chở thêm hàng cho các chuyến sau để bù chi phí cho chuyến trước", ông Minh phân trần.