Hồi âm bài 'phép vua' thua 'luật xã': Nội dung báo đăng là đúng sự thật
Đời sống - Ngày đăng : 14:50, 15/12/2012
Có thu tiền làm đường bê tông
Về nội dung báo phản ánh việc chủ tịch UBND xã Thường Nga từ chối làm việc với phóng viên nếu không có giấy giới thiệu của UBND huyện, báo cáo của UBND xã Thường Nga đã thừa nhận : “Việc chủ tịch UBND xã đề nghị phóng viên “Muốn làm việc với xã phải có giấy giới thiệu của huyện” là sai vì UBND huyện Can Lộc không có quy định như vậy. UBND xã Thường Nga cũng cảm ơn báo Công Lý đã quan tâm đến địa phương xã Thường Nga. Đồng thời xin tiếp thu những ý kiến đóng góp của Báo Công Lý, qua đó rút kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xã nhà đi lên xây dựng nông thôn mới”.
Báo cáo của UBND xã Thường Nga cho rằng thông tin mà PV nêu về các khoản thu làm đường giao thông nông thôn tại xã này là chưa đúng sự thật. Để làm rõ nội dung vụ việc, phóng viên tiếp tục trở lại xã Thường Nga, và phải đến lần thứ ba gọi điện hẹn lịch làm việc thì chúng tôi mới được lãnh đạo xã này “tiếp chuyện” một cách miễn cưỡng với nhiều lý do khác nhau.Về thu tiền làm đường bê tông của người dân, thực sự là từ năm 2005 cho đến nay ngoại trừ năm 2010 là không thu, còn lại các năm khác thì chính quyền xã và xóm đã tiến hành thu với nhiều mức thu khác nhau ít nhất là 50 ngàn đồng cho tới 150 ngàn đồng trên một khẩu với nội dung làm đường bê tông nông thôn. Như vậy, tính bình quân ít nhất từ năm 2005 cho đến nay (8 năm) mỗi một nhân khẩu của xã Thường Nga đã phải đóng ít nhất là 500 ngàn đồng. Người dân tự hỏi, trung bình một năm ít nhất là từ 200 triệu đến 400 triệu đồng thu được từ nhân dân và cộng thêm sự hỗ trợ của nhà nước thì tại sao số km đường bê tông trong toàn xã đến nay vẫn chưa thể xong? Và người dân còn phải đóng khoản tiền làm đường bê tông theo kiểu “trường kỳ kháng chiến” cho tới bao giờ?
Tại buổi làm việc, ông Đường Trọng Hữu chủ tịch UBND xã Thường Nga khẳng định: “Việc thu tiền làm đường bê tông nông thôn của người dân từ năm 2005 cho đến nay là hoàn toàn đúng như phản ánh của người dân, chỉ trừ năm 2010 chúng tôi không thu của dân vì năm đó có đợt lũ lịch sử nên người dân đang gặp nhiều khó khăn, và trong những năm thu đó thì chính quyền xã chỉ trực tiếp thu có hai đợt còn lại là Thường trực HĐND xã ra nghị quyết và giao cho các xóm tự thu và chi các khoản tiền làm đường bê tông, xã chỉ thu hộ chứ không quản lý số tiền nói trên. Còn trong quá trình làm đường trong dân thì chính quyền xã chỉ hỗ trợ người dân về xi măng và cho người giám sát tiến độ xây dựng còn chất lượng công trình thì do dân tự giám sát…”
Như vậy đúng như đơn thư phản ánh của người dân, từ năm 2005 cho đến nay chính quyền xã này đã thu các khoản tiền nói trên để làm đường giao thông.
Có hiện tượng bị “rút ruột”
Mặc dù năm nào cũng đóng tiền, mà dân vẫn phải sống chung với những con đường nắng bụi bay mù trời, mưa thì lầy lội, những bức tường rào bị đập vẫn đang nằm chỏng chơ trong “quy hoạch treo” của xã. Điều đáng nói là ở đây đã có hiện tượng rút ruột công trình để tăng lợi nhuận. Ngày 19/11/2012 người dân xóm 4 xã Thường Nga đã đào một đoạn đường bê tông để đặt cống thoát nước thì phát hiện ra những “thiếu sót cơ bản” từ những con đường bê tông đã được làm từ năm trước. Đó là bề dày của con đường này không đúng như trong thiết kế, cụ thể trong bản thiết kế cũng như trong hoạch toán của công trình là độ dày của tuyến đường là 16 cm, nhưng thực chất khi người dân đào lên thì phát hiện chỉ có 11cm và có những đoạn chỉ được 8 cm. Như vậy đồng nghĩa với khối lượng bê tông đã giảm đi rất nhiều so với thiết kế. Và số tiền chênh lệch đó sẽ rơi vào túi ai? Cùng thời điểm đó, xã đổ trục đường bê tông giữa xóm 1 và xóm 4, khi thi công được 30,7m dài thì người dân 2 xóm phát hiện ra nhà thầu đổ không đúng với thiết kế về độ dày cũng như về khối lượng xi măng.
Người dân đang đo độ dày của đường bê tông
Anh N.V.H là thanh tra xóm 1 và anh N.S.L và một số người dân là giám sát do nhân dân bầu ra của xóm 1 và xóm 4 khi bắt đầu làm đường bê tông đã kiểm tra hiện trường và mời cán bộ xóm xuống làm việc. Nhưng cán bộ xóm xuống kiểm tra, xem xét tình hình và trả lời “việc này phải lên UBND xã báo cáo chứ không thuộc về cán bộ xóm”. Nhưng khi báo cáo sự việc trên với UBND xã thì được ông Đinh Văn Nam – Phó chủ tịch xã Thường Nga trả lời là “ trách nhiệm đó thuộc về xóm chứ không phải xã”. Một điều đáng nói ở đây là thanh tra xóm và giám sát của người dân đã kiểm tra, lập biên bản hiện trường nhưng cả UBND xã và cán bộ xóm không ai chịu ký vào. Vậy là trong bản dự toán kinh phí của đoạn đường này chính quyền xóm và xã đã chi trả bao nhiêu và khối lượng thực tế có đủ như trong thiết kế dự toán?
Trao đổi với phóng viên, ông Hữu cho biết: “Đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được đơn thư của người dân về vấn đề này, sau khi nhận được đơn thư chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra sau”.
Qua những nội dung nêu trên, chúng tôi khẳng định bài báo đã viết đúng sự thật về những khoản tiền thu làm đường bê tông nơi đây. Có lẽ. đã đến lúc UBND huyện Can Lộc cần sớm vào cuộc kiểm tra các khoản thu chi tài chính cũng như chất lượng các con đường bê tông đã làm, tránh để người dân bức xúc đơn thư kiến nghị kéo dài.