Động đất ở Hà Nội, dân văn phòng hốt hoảng
Đời sống - Ngày đăng : 11:09, 03/10/2012
Cảm nhận rõ nhất điều đó, chị Phương Trang nhân viên văn phòng hốt hoảng: “Đang ngồi máy tính thấy nhà bị rung mạnh một cái, tất cả nhân viên trong văn phòng hoảng hốt ồ lên ‘động đất’. Đợi 1 lúc sau thì không thấy gì, nhiều người sợ quá liền ‘sơ tán’ xuống tầng 1”.
Cũng cảm nhận rõ động đất chị Trang khuôn mặt không dấu được vẻ sợ hãi: "Chị đang ngồi trước máy tính thì nhà rung, sợ quá mặt cứ đần ra tưởng nhà đổ đến nơi, mọi người đều chạy ra ngoài..."
Và ngay cả những người ở tầng thấp cũng cảm nhận rõ được cơn dư trấn này.
Các địa điểm cảm nhận rõ nhất cơn dư trấn tại Hà Nội là khu vực: Cầu Giấy, Từ Liêm, Thanh Xuân, Nghi Tàm, Tây Hồ, Trường Chinh, Hà Đông, Kim Giang...
Xác nhận hiện tượng này, ông Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Cảnh báo động đất và sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, cho biết: Hà Nội vừa xảy ra rung chấn khá mạnh bởi một trận động đất vừa diễn ra tại khu vực khác. Do động đất xảy ra ở khu vực xa nên không có tiếng nổ từ mặt đất, nhưng người dân ở khu các tòa nhà cao tầng trong nội thành đều có thể cảm nhận đợt rung chấn này. Chưa có thông báo gì về thiệt hại do rung chấn xảy ra tại Hà Nội.
Ông cho biết thêm hiện các chuyên gia của Trung tâm đang theo dõi các số liệu truyền về qua hệ thống máy móc và tính toán để xác định chính xác vùng vừa xảy ra động đất với cường độ bao nhiêu.
Những biện pháp phòng chống khi có động đất xảy ra
Những gạch đầu dòng quan trọng nhất để người dân biết cách phòng chống và ứng phó khi động đất bất ngờ xảy ra:
Trước khi xảy ra động đất:
- Dự trữ nước uống, đồ ăn đóng hộp, đèn pin, pin, radio, bông băng, thuốc chữa bệnh thông thường, thay đổi khi hết hạn sử dụng;
- Không đặt các vật nặng lên giá đỡ cao; không đặt giường ngủ sát cửa kính;
- Những vật dụng trong nhà dễ ngã đổ, rơi xuống, nên được gắn chặt vào tường nhà để khi lung lay cũng không rơi xuống đất gây thương tích;
- Các đồ đạc nặng như kệ sách, tủ, chén bát…. nên đặt xa khỏi các cửa ra vào, các nơi thường lui tới để khi ngã đổ vẫn không chắn lối ra và nên gắn chặt vào tường nhà;
- Những người sống ở chung cư nắm vững lối thoát hiểm;
- Theo dõi thông báo và chỉ dẫn của cơ quan phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.
Khi xảy ra động đất:
- Nếu động đất xảy ra khi đang ở trong nhà, ngay lập tức chui xuống gầm bàn hay gầm giường để tránh các vật rơi xuống đầu và nếu nhà sập vẫn có không khí để thở. Nếu không có gầm bàn thì chạy đến góc phòng mà đứng, không chạy ra khỏi nhà khi có chấn động do động đất gây ra. Sau khi chấn động ngừng mới rời khỏi phòng, nhà nếu cần;
- Khi di chuyển ra khỏi nhà cao tầng không chạy vào thang máy đề phòng mất điện bất ngờ, đồng thời lấy các vật che trên đầu như gối, cặp sách, cặp tài liệu;
- Nếu động đất xảy ra khi đang ở ngoài đường thì phải lánh nạn ở những bãi đất trống, chạy tránh xa các tòa nhà cao ốc, tường cao, cây to và đường dây điện để tránh sập đổ;
- Nếu động đất xảy ra khi đang ở gần bờ biển thì phải đề phòng sóng thần do động đất xảy ra ở đáy biển;
- Sau chấn động đầu tiên thường có thời gian yên tĩnh, sau đó mới có chấn động mới, do đó không nên hoảng sợ. Chấn động mới có thể xảy ra sau vài phút, vài giờ thậm chí sau vài ngày tùy thuộc động đất mạnh hay yếu.