Nghệ An: Thiệt hại nặng nề nơi rốn lũ

Đời sống - Ngày đăng : 08:32, 10/09/2012

Mưa lớn kéo dài trong 3 ngày (từ 4 đến 6/9 ) đã gây lũ lớn ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tại huyện Yên Thành (Nghệ An), nhiều xã nằm trong vùng sâu trũng bị nhấn chìm trong biển nước, thiệt hại hết sức nặng nề.

Long Thành là một trong những địa phương bị ngập nước thiệt hại nặng nề nhất do nằm sâu trong rốn lũ. Đến 11h trưa ngày 7/9, mực nước lên cao hầu như toàn bộ nhà dân, diện tích lúa, hoa màu đều bị nhấn chìm trong biển nước. Đến 12h trưa 7/9, trong 17 xóm của xã Long Thành thì có đến 70% hộ dân bị nước lũ cô lập, gần 1000 ha đất tự nhiên của xã đều bị ngập nước trong đó có 750ha lúa hè thu đang chuẩn bị thu hoạch. Khoảng hơn  một tuần nữa khi nước rút mới tiến hành thu hoạch được nên khả năng sẽ mất trắng hoàn toàn. Hệ thống đường giao thông bị ngập chìm gây chia cắt, đặc biệt là trên tuyến đường 534 có đoạn nước gần 2m, người dân đi lại chủ yếu bằng thuyền và nốc. Hệ thống công sở, trường học, trạm y tế, bị ngập chìm. Nước lũ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở vật chất và đời sống nhân dân. Tính sơ bộ đến thời điểm này mưa lụt đã gây thiệt hại cho xã Long Thành trên 120 tỷ đồng.

Nghệ An: Thiệt hại nặng nề nơi rốn lũ

Đưa tài sản quý đến nơi an toàn

Ông Nguyễn Huy Hoàng, xóm phó xóm Tây Yên cho biết: “Xóm có 100 hộ dân đều bị ngập nước. Trong đêm qua, mặc dù mực nước lên nhanh nhưng hầu hết bà con đã kịp thời đưa trâu bò, lợn gà đến nơi an toàn. Thiệt hại nặng nề nhất với người dân chúng tôi là lúa bởi số lúa vừa gặt xong không vận chuyển kịp thời coi như mất trắng, diện tích chưa thu hoạch bị nhấn chìm cũng không còn hi vọng gì nữa”.

Tiếp cận nhà dân bằng nốc, chúng tôi có mặt tại xóm Vạn Tràng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thiện đang kê đồ đạc lên cao, nước vào nhà tới gần đầu gối nên hơn mẫu lúa mới gặt hầu hết đều bị ướt. Chỉ vào đống thóc đã nảy mầm trắng xóa bên cạnh, anh Thiện nói mếu máo: "Đấy cô xem lên mộng trắng xóa hết rồi! Nhà tôi vẫn còn một mẫu chưa gặt giờ cũng bị nhấn chìm mất trắng rồi  anh chị ạ”. Theo quan sát của chúng tôi, do bị cô lập hoàn toàn nên phương tiện đi lại và vận chuyển duy nhất ở Long Thành là thuyền, nốc.

Trước tình hình trên lãnh đạo UBND huyện Yên Thành, cũng như chính quyền địa phương xã Long Thành đã huy động các lực lượng, phương tiện  xuống những xóm bị cô lập kịp thời hỗ trợ, bảo vệ tài sản cho nhân dân, cấp phát mì tôm cho một số hộ bị cô lập hoàn toàn,  giải phóng ách tắc tại các tuyến đường trọng điểm, đảm bảo an toàn cho người và xe qua lại, đồng thời  đưa những hộ dân nằm trong vùng bị ngập sâu đến nơi an toàn.

Theo báo cáo của UBND huyện Yên Thành đến trưa ngày 7/9, mưa lũ đã làm ngập gần 5.000ha lúa trong đó khoảng 17ha ở xã Mỹ Thành xác định mất trắng; hơn 250ha rau màu, ngô; trên 2.242 con gia cầm và 10 con lợn bị chết và cuốn trôi. Ngoài ra, mưa lũ cũng phá hoại nhiều cơ sở vật chất gây thiệt hại khá nặng nề: hai trường cấp 1, cấp 2 xã Phú Thành bị  lùa mái, 1 trạm biến thế bị cháy. Mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở như đường Khe Chùa, đường vào trung tâm xã Hùng Thành, đường vào trung tâm xã Kim Thành, đường 33, đường nguyên liệu sắn, đường liên xã Viên Thành...Mưa lũ tại Yên Thành cũng đã làm 1 người chết và 2 người bị thương.

Để khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, hiện nay UBND huyện Yên Thành cũng đã và đang phân công ban trực 24/24 theo dõi chặt chẽ tình hình, giao cho huyện đội xuống nơi xung yếu, cô lập, kịp thời ứng cứu cho nhân dân; điều động máy móc của các doanh nghiệp xử lý sạt lở; thực hiện phương châm 4 tại chỗ...

Ông Lê Công Đẩu, chủ tịch UBND xã Long Thành cho biết: để khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất do mưa lũ gây ra cho địa phương, kịp thời hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn, cần có sự vào cuộc của các cấp các ngành.

Nghệ An: Thiệt hại nặng nề nơi rốn lũ

Đền thờ Hoàng Tá Thốn ngập chìm trong biển nước

Nghệ An: Thiệt hại nặng nề nơi rốn lũ

Nước trắng đồng, trắng ruộng

Kế Hùng