Phân biệt, kỳ thị, gây khó dễ cho người tự ứng cử là vi phạm pháp luật

Chính trị - Ngày đăng : 09:20, 07/03/2016

Nội dung trên đã được Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha khẳng định với báo chí khi trao đổi về vấn đề có hay không sự phân biệt đối xử với người tự tham gia ứng cử vào Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra vào ngày 22/5 tới được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm 2016. Đây còn được xem là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của đất nước, trong đó, tự ứng cử là một biểu hiện dân chủ rõ nét trong cuộc bầu cử này.

Hội nghị Hiệp thương lần 2 giới thiệu người ứng cử ĐBQH được tổ chức vào ngày 17/3, tức là còn đúng 10 ngày nữa để những người tham gia tự ứng cử hoàn thiện hồ sơ gửi đến cơ quan chức năng. Vì vậy, vấn đề tự ứng cử của người dân vào Quốc hội và HĐND các cấp đang là vấn đề được dư luận quan tâm hơn bào giờ hết.

Tạo điều kiện thuận lợi để công dân tham gia ứng cử

Theo Hiến pháp quy định: Công dân đủ 21 tuổi trở nên có quyền ứng cử vào quốc hội, HĐND các cấp. Thủ tục với người ứng cử: Các ứng viên làm xong hồ sơ và nộp thẳng về cho Ủy ban bầu cử địa phương mà không cần phải qua những bước sang lọc ban đầu như các ứng viên cơ quan tổ chức giới thiệu. Song tất cả các ứng viên đều phải trải qua hiệp thương, vì Luật Bầu cử giao cho MTTQ thay mặt nhân dân hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cửa đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp và để đảm bảo chất lượng của dại biểu, công tác giám sát sẽ được thưc hiện đối với tất cả các ứng viên bao gồm tự ứng cử và được giới thiệu.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị yêu cầu các cơ quan tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình bầu người có đủ đức, đủ tài, không phân biệt đối xử với người tự ứng cử. Đây được xem là một trong những việc làm nhằm đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân.

Hiện tại, ai muốn tự ứng cử chỉ cần tìm hồ sơ trên trang mạng của Hội đồng bầu cử Quốc gia hoặc đến Sở Nội vụ - cơ quan thường trực của Ủy ban bầu cử các cấp tại tỉnh hay thành phố; quy trình tự ứng cử cũng có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng.

Phân biệt, kỳ thị, gây khó dễ cho người tự ứng cử là vi phạm pháp luật

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha trao đổi với báo chí. Ảnh: daidoanket.vn

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha: Đối với những người tự ứng cử, đây đang là thời điểm hoàn tất và nộp hồ sơ ứng cử và người tự ứng cử không phải qua ba bước sàng lọc của cơ quan, tổ chức hay nơi cư trú, dù bây giờ đã chuẩn bị đi đến vòng hiệp thương thứ 2. Khi Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố đọc hồ sơ và nhận thấy, hồ sơ của người tự ứng cử đã hoàn chỉnh, không có khúc mắc gì, Ủy ban bầu cử sẽ chuyển hồ sơ của những người tự ứng cử tới MTTQ cùng cấp để đưa vào hiệp thương vòng 2.

Nhấn mạnh yếu tố “đủ điều kiện” của những người tự ứng cử, ông Nguyễn Văn Pha cho rằng: “Người tự ứng cử còn có điểm thuận lợi hơn so với người được cơ quan, tổ chức giới thiệu. Và người tự ứng cử khi ấy đương nhiên cùng nhóm được giới thiệu để Mặt trận hiệp thương một cách bình đẳng”.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cũng khẳng định cơ cấu sẽ không ảnh hưởng đến người tự ứng cử, song nói như vậy không có nghĩa là không phải đảm bảo những tiêu chí nhất định.

Đối với việc giới thiệu người ra ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện theo ba bước: Đó là ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị họp dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Sau đó sẽ tổ chức hội nghị cử tri nơi người được dự kiến giới thiệu đang công tác. Nơi nào dưới 100 cử tri sẽ tổ chức hội nghị toàn thể nhưng bắt buộc phải có 2/3 số cử tri tham dự. Nơi nào có trên 100 cử tri, có thể mời đại diện cử tri nhưng phải đảm bảo có 70 cử tri tham dự. Hội nghị cử tri sẽ nhận xét tín nhiệm với những người được dự kiến giới thiệu ứng cử. Luật không quy định giới thiệu một người. Các cơ quan, đơn vị có thể giới thiệu 2 - 3 người. Nhưng khi những người đủ điều kiện quá bán thì sẽ có hai hình thức trong hội nghị cử tri, đó là: biểu quyết bằng giơ tay hoặc bằng bỏ phiếu kín để cuối cùng chọn được người mà cử tri tín nhiệm để ứng cử.

Cuối cùng, trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm tại hội nghị cử tri nơi công tác, nơi làm việc, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị mở rộng đến công đoàn các tổ chức trực thuộc để thảo luận, nhất trí chốt lại giới thiệu người đại diện cơ quan tổ chức mình ứng cử đại biểu Quốc hội. Đến danh sách gửi sang MTTQ là các cơ quan ở Trung ương chỉ giới thiệu một người.

Không phân biệt đối xử với người tự ứng cử

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, hiện cả nước đã có khoảng 50 người tham gia ứng cử, con số này này sẽ còn tăng trong những ngày tới. Như vậy, số lượng người tự ứng cử ở nhiệm kỳ này tăng hơn so với nhiệm kỳ trước, trong đó, 2 địa bàn tập trung đông dân cư là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là có só người ứng cử nhiều nhất.

Đề cập vấn đề có hay không sự phân biệt đối xử giữa người được giới thiệu và người tự ứng cử. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha khẳng định: Không có sự phân biệt ứng cử, vì theo quy định hiện nay, người ứng cử bao gồm hai loại: một là do cơ quan tổ chức đơn vị giới thiệu, hai là những người tự ứng cử, hai loại này đều được coi là người ứng cử.

Bất cứ ai tự ứng cử mà đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về bầu cử không có lý do gì để phê phán hay phân biệt đối xử. Ủy ban MTTQ Việt Nam sẽ xem xét tất cả vấn đề liên quan, từ hồ sơ lý lịch, ý kiến cử tri nơi làm việc, cư trú, những vấn đề khác thuộc về nhân thân,… đủ điều kiện thì đưa vào Danh sách chính thức và quyền quyết định cuối cùng là của cử tri.

Ông Pha nhấn mạnh: “Theo quy định của pháp luật về bầu cử hiện nay, không có quy định nào phân biệt đối xử giữa người được giới thiệu và người tự ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp, do đó hành vi phân biệt, kỳ thị, tìm cách gây khó dễ là vi phạm pháp luật”.

Về góc độ vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, ông Pha cho biết, chúng tôi vẫn khuyến nghị với MTTQ tại các địa phương là cố gắng làm sao mình phải giải thích rõ cho người ứng cử biết quyền và nghĩa vụ của người tự ứng cử; đồng thời MTTQ cũng phải giám sát cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ cũng như thẩm quyền của họ nhằm hạn chế tối đa việc phân biệt đối xử, thậm chí là kỳ thị đối với người tự ứng cử.

“Càng nhiều, càng chất lượng, MTTQ càng có nhiều cơ hội để lựa chọn", ông Nguyễn Văn Pha bày tỏ. Ông cũng khuyến cáo những người tham gia tự ứng cử Quốc hội và HĐND các cấp cần phải suy nghĩ hết sức nghiêm túc trước khi làm hồ sơ và nhất thiết phải lưu ý 2 điều: Thứ nhất, nghiên cứu luật cho kỹ xem mình có đủ tiêu chuẩn để ứng cử đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND hay không?. Thứ hai, phải xem mình có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ người đại biểu hay không”.

Người tự ứng cử phải thực sự nghiêm túc chứ không phải chỉ để thử xem dân chủ đến đâu, dân chủ thế nào. Nếu chỉ có ý định làm một “phép thử” thì không nên tự ứng cử. Làm thế chỉ mất thời gian của MTTQ các cấp và các cơ quan chức năng.

Trọng Bằng