Nghị định số 29/2012/NĐ-CP: Bỏ sót quyền lợi của người có công
Đời sống - Ngày đăng : 10:23, 10/08/2012
Cụ thể, tại khoản 5, Điều 21 của Luật Viên chức quy định: Khi tuyển dụng viên chức, người có công với cách mạng sẽ được ưu tiên. Tương tự, theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cũng quy định cụ thể đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi gồm những người có công với cách mạng và con em của họ. Pháp lệnh này cũng quy định con của bệnh binh được ưu tiên trong tạo việc làm, ưu đãi trong giáo dục và đào tạo. Các văn bản trước đây khi hướng dẫn ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức đều thống nhất quy định con bệnh binh là đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên.
Ảnh minh hoạ
Trước đây, khi thi tuyển, con em người có công được ưu tiên theo cách cộng điểm nhưng Nghị định 29 chỉ xét ưu tiên trong trường hợp có từ 2 người trở lên thi tuyển có số điểm các bài thi bằng nhau thì xét ưu tiên theo thứ tự là: “a) Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; b) Thương binh; c) Người hưởng chính sách như thương binh; d) Con liệt sĩ; đ) Con thương binh; e) Con của người hưởng chính sách như thương binh; g) Người dân tộc ít người; h) Đội viên thanh niên xung phong; i) Đội viên tri thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ; k) Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự; l) Người dự tuyển là nữ”.
Như vậy, với thứ tự và các đối tượng ưu tiên này thì con bệnh binh sẽ bị “loại” trong quá trình thi tuyển viên chức. Đây là điều bất hợp lý và không công bằng vì con thương binh hay bệnh binh đều là những người chịu thiệt thòi do bố, mẹ của họ bị suy giảm khả năng lao động và cả thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và bệnh binh đều là những đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.
Điều đáng nói, trong khi Nghị định số 29 “loại” đối tượng con bệnh binh khỏi chế độ ưu tiên trong tuyển dụng thì các quy định về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức vẫn ưu tiên với đối tượng này. Cụ thể, theo Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, những đối tượng là con em thương binh, bệnh binh vẫn thuộc diện ưu tiên. Khi tuyển dụng công chức sẽ được cộng 30 điểm, hoặc 20 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển, trong đó con bệnh binh được cộng 20 điểm. Ngoài ra, theo Nghị định số 29, con liệt sĩ, con thương binh, con của người hưởng chính sách như thương binh chỉ được ưu tiên trong một số trường hợp chứ không được cộng điểm như trước đây. Thực tế, việc cộng điểm vào tổng kết quả thi có ý nghĩa hơn so với quy định ưu tiên tại Nghị định số 29. Vì, chỉ khi thuộc các tình huống “có từ 2 người trở lên có kết quả thi bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng” và “nếu bài thi chuyên môn nghiệp vụ bằng nhau” thì các đối tượng thuộc diện ưu tiên này mới được ưu tiên theo thứ tự như đã nói ở trên là những trường hợp rất khó xảy ra trên thực tế. Và, gần như các đối tượng thuộc diện được ưu tiên sẽ không được hưởng ưu đãi gì khi tham gia tuyển dụng viên chức.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét lại những quy định tại Nghị định số 29 về chế độ ưu tiên trong công tác tuyển dụng đối với con em thương, bệnh binh (gọi chung là người có công) để tránh những thiệt thòi cho họ. Vì quy định này không chỉ tước đi quyền lợi lẽ ra họ được hưởng mà còn trái với Luật đã ban hành.
Nguyên Bình