Thị trường quần áo quân dụng: Thật giả lẫn lộn
Đời sống - Ngày đăng : 21:53, 09/07/2012
3h chiều, nhóm PV có mặt tại đường Lê Duẩn (Hà Nội). Tại đây, những cửa hàng bán quần áo, giày dép tấp nập người mua, và thật dễ dàng để có thể chọn mua được một bộ quần áo, mũ, giày dép giống y hệt quân trang của ngành công an, quân đội…
Chiếc mũ giống hệt mũ của ngành công an với giá 120.000 đồng có gắn sao, 100.000 đồng không kèm sao, 120.000 đồng/1 đôi giày leo núi của bộ đội, 180.000 đồng/1 áo bộ đội... Bà chủ bán hàng đon đả giới thiệu chất liệu tốt, đẹp, bền, mua nhiều sẽ được giảm giá. Khách hàng tới đây mua có thể thoải mái mặc cả giá, với 80.000 đồng là có thể sở hữu một chiếc mũ giống y hệt mũ của ngành công an. Bên cạnh đó, một số cửa hàng còn bán huy hiệu, quân hàm cấp úy, cấp tá…
Cửa hàng bày bán đa dạng các mặt hàng quần áo, quần áo thể thao, bảo vệ thậm chí quân trang, quân phục của ngành công an, quân đội...
Với hơn 500.000 đồng là có thể trang bị cho mình một bộ đồng phục của cảnh sát cơ động mà bằng "mắt thường" khó có thể phân biệt được thật giả. Từng đường kim mũi chỉ khá chuyên nghiệp, chất liệu vải, màu sắc, cúc áo cũng giống y hệt với những bộ quân phục của quân nhân thường mặc.
Những chiếc mũ giống y hệt chiếc mũ của ngành công an, cảnh sát cơ động được bán với giá 120.000 đồng/chiếc
Với hơn 500.000 đồng là có thể trang bị cho mình một bộ quân phục giống của cảnh sát cơ động, bộ đội đặc công...
Theo quan sát của PV, mặt hàng giống với quân trang, quân dụng của công an, cảnh sát, bộ đội không chỉ được bày bán công khai ở đường Lê Duẩn, mà con phố Khâm Thiên gần sát đó cũng có bán mặt hàng này.
Một thực tế đáng lưu tâm là hiện tượng bán hàng giống với đồ quân trang, quân phục của ngành công an, quân đội vẫn diễn ra sôi động hàng ngày, hàng giờ. Cũng từ đó dẫn tới bùng nổ một số hành vi giả mạo người của ngành, mặc quần áo, đội mũ của ngành công an, qua mặt cơ quan chức năng và thực hiện những hành vi trái pháp luật.
Điển hình mới đây, phóng viên đã chụp được ảnh một người điều khiển xe ô tô và đặt chiếc mũ của ngành cảnh sát lên trước cửa kính. Theo phân tích của ông Phùng Trung Tập, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng đây là một hành vi mạo danh nhằm mục đích khiến người khác hiểu nhầm. Rồi hành vi “trang bị” đồng phục cảnh sát cơ động, của 2 học sinh lớp 12 để “xin đểu tiền” khiến chúng ta không khỏi bức xúc và ngỡ ngàng trước những hành động "táo bạo" dám giả mạo để thực thi "quyền" của những người trong ngành.
Cũng liên quan đến việc bày bán công khai đồ giống với quân trang quân phục của ngành, một số vị cán bộ nghỉ hưu trong ngành cho biết: "Việc bán quân trang quân phục của ngành nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý rất nặng, và kỷ luật của ngành rất nghiêm, không có chuyện quân trang, quân phục của quân nhân được mang ra thị trường buôn bán. Có thể những con phố bày bán một số mặt hàng này là giả mạo...".
Để ngăn chặn tình trạng ngày càng nhiều người giả mạo người trong ngành, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi trái pháp luật, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để "dập tắt" những tụ điểm buôn bán hàng giả, tránh tình trạng giả mạo người của ngành làm giảm uy tín và quyền lực của cán bộ trong ngành.
Theo Nghị định số 59/2006/CP của Chính phủ quy định rõ: Quân trang, trang phục, công cụ hỗ trợ... thuộc lực lượng công an và quân đội là mặt hàng Nhà nước cấm lưu thông trên thị trường. Và để được mua các công cụ hỗ trợ các đơn vị này phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt (xin giấy phép, đăng ký sử dụng, mua ở đơn vị quy định...). Chính vì thế, mọi hành vi mua bán các loại quân trang, quân phục trên thị trường đều là trái pháp luật. |
Song An