Quảng Xương - Thanh Hoá: Vùng triều “dậy sóng”?
Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 15/06/2012
Trong khi đó các biện pháp của cơ quan chức năng chưa mang lại hiệu quả khiến cho vùng bãi ngang ngày càng căng thẳng. Người dân chuyển từ đấu khẩu sang thượng cẳng chân, hạ cẳng tay!
“Rồng vây” hủy diệt bãi ngang?
Có mặt tại bãi biển Quảng Đại những ngày đầu tháng 6, chúng tôi chứng kiến cảnh cùng cực, phẫn nộ của các ngư dân khi miếng cơm, manh áo hàng ngày của mình đang bị cướp ngay trước mặt. Cuộc sống của hơn 500 hộ dân tại xã Quảng Đại, với hàng nghìn nhân khẩu đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, khi ngư trường khai thác bao đời đang bị hủy hoại một cách tận diệt bằng “rồng vây”.
Ông Đới Sỹ Ny, thôn 9, xã Quảng Đại, gắn bó gần hết đời mình trên biển bức xúc: Do không có điều kiện để vươn ra khơi xa đánh bắt, bà con chủ yếu khai thác ở gần bờ. Ngày trước những bè mảng của chúng tôi mỗi ngày trừ chi phí cũng thu được 200-300 nghìn/ngày. 3 năm trở lại đây, từ ngày “rồng vây” du nhập vào vùng biển cuộc sống của chúng tôi vô cùng lận đận. Đây là phương tiện của Trung Quốc sản xuất đưa vào đánh bắt, mặc dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Một “rồng vây” càn quét, ôm trọn một vùng biển với diện tích lên tới 10km2. Kích thước mắt lưới lại cực nhỏ, không tha cả những loài thuỷ sản tôm cá nhỏ nhất. Họ hoạt động từ sáng đến tối, thu nhập mỗi chuyến lên tới hàng trăm triệu. Trong khi chúng tôi không có ngư trường để khai thác, hoặc nếu có đánh bắt cũng chỉ được vài chục nghìn/ngày. Người đã kiến nghị tới Bộ đội Biên phòng 122, Công an, lãnh đạo huyện, xã cũng đã xuống giải quyết nhưng đâu lại vào đấy, họ vẫn ngang nhiên hoạt động.
Các ngư dân rất bức xúc phản ánh với PV
Sự cùng cực cùng với thái độ bất mãn với cách giải quyết của chính quyền, người dân nơi đây đã tập trung xua đuổi, ngăn cản không cho họ khai thác. Ông Phạm Kim Mạnh cho biết: Thuyền, bè loại nhỏ của ngư dân không còn không gian hoạt động, thậm chí không thể đưa bè xuống biển vì các máy kéo bánh xích kéo rùng đã cày nát dọc bờ biển thành những rãnh sâu và bờ cát, không thể vượt qua. Nếu có thuyền, bè nào ra được biển thì khi lưới rùng cỡ lớn hoạt động sẽ bị “vây” trong vòng lưới của họ. Chủ bè muốn vào bờ cũng không được đành để tôm, cá đánh bắt được bị ươn trên bè.
Những đối tượng khai thác trên “rồng vây” rất manh động, họ sẵn sàng đánh người không thương tiếc, ngày trước người già, trẻ con hay ra ngoài đó để mót con cá, con tôm bị chúng đấm đá túi bụi vào người. Ông Đới Sỹ Vân cho biết thêm: Chúng tôi đã nhiều lần chạm trán với chúng, gần đây nhất là ngày 20-5, 25 người dân chúng tôi lên 5 bè xuống địa bàn thôn 8 xã Quảng Hải, với mục đích ngăn cản “rồng vây” của anh Viên Đình Tường xã Quảng Lưu, thì bị một số đối tượng trên tàu do anh Tường chỉ đạo dùng đá ném, làm cho một số người bị thương. Thấy tình hình trở nên phức tạp, ngư dân ba thôn 7, 8, 9 Quảng Đại và thôn 10 Quảng Hải, chuẩn bị tụ tập đông người để họp bàn tổ chức lực lượng, hung khí để đánh đuổi, nếu hôm đó chính quyền không có mặt kịp thời chắc chắn sẽ trở thành cuộc hỗn chiến.
Bãi ngang nay mai sẽ dậy sóng!?
Trước tình hình diễn ra ngày càng phức tạp, ngày 24-4-2012 ông Trần Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện đã có Công văn số 27/UBND-NN về việc cấm sử dụng “rồng vây” kéo bằng mắt xích trong việc khai thác thủy sản. Ngày 17-6-2011 UBND huyện đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch nêu rõ: “Việc sử dụng ngư cụ rồng lớn kéo bằng máy xích đã vi phạm Điều 6, Chương I Luật Thủy sản... Yêu cầu các chủ hộ dừng khai thác chuyển đổi sang hình thức khai thác phù hợp. Tuy nhiên, đến nay các hộ vẫn tiếp tục khai thác, xảy ra tranh chấp. UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã và các ngành Công an huyện, Ban chỉ huy quân sự huyện, Đồn Biên phòng 122 tăng cường công tác phối kết hợp để đảm bảo an ninh trật tự vùng biển, đặc biệt tăng cường cán bộ chiến sỹ tại vùng biển ba xã để nắm chắc tình hình, ngăn chặn, giải quyết dứt điểm những vụ việc tranh chấp, không để xảy ra tình hình phức tạp...”.
Tuy nhiên, trao đổi với PV về vấn đề khai thác hải sản tại địa phương, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quảng Đại trả lời: Hiện nay trên bãi ngang có 3 “rồng vây” hoạt động, chủ của các “rồng vây” là người Quảng Hải và Quảng Lưu, xã đã tuyên truyền, vận động nhưng công việc vượt quá thẩm quyền của xã nên chúng tôi đã đề xuất lên huyện để giải quyết? Còn về phía Biên phòng, ông Đoàn Thế Thuần, Thượng tá, chính trị viên Đồn Biên phòng 122 biện minh: Chúng tôi đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, vận động, thậm chí xử phạt hành chính đối với những chủ phương tiện “rồng vây”. Chế tài chưa cho phép chúng tôi thu giữ phương tiện, chỉ có khi nào họ có đánh nhau, có khởi tố chúng tôi mới được thu giữ. Họ bỏ ra gần 1 tỷ để mua 1 “rồng vây” phải có thời gian để họ chuyển đổi, hoặc bán…
Ngày 31-5-2012 Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo ba xã: Quảng Đại, Quảng Hải, Quảng Lưu… Tại thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương Vũ Khoa Việt đã giao cho Chủ tịch các xã liên quan “nếu phát hiện hộ dân cố tình vi phạm khai thác thủy sản phải kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật và lập biên bản tạm giữ phương tiện”. Địa phương nào để xảy ra khai thác trái phép thì Bí thư, Chủ tịch và Trưởng Công an xã phải chịu trách nhiệm. Đồng thời có biện pháp cho các hộ dân có phương tiện trái phép bị đình chỉ có vốn ưu đãi để chuyển nghề khai thác phù hợp.
Ngày 1-6-2012, sau khi có kết luận của Chủ tịch huyện tại vùng ven biển xã Quảng Lưu, một “rồng vây” khủng của người dân xã này vẫn “vô tư” hoạt động, dẫn đến đám đông ngư dân (chủ yếu của xã Quảng Đại là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất của loại phương tiện này) tụ tập phản đối gay gắt, lại có nguy cơ xảy ra xung đột lớn. Cán bộ chính quyền, biên phòng, Công an… có mặt tại chỗ đã vận động, giải thích cho cả hai bên chấp hành luật pháp. Chủ “rồng vây” khai thác trái phép đã chấp nhận thu rồng về, chấm dứt việc khai thác trong buổi trưa ngày 1-6-2012 và cam kết không tái phạm. Nếu vụ việc này giải quyết không triệt để thì hậu quả sẽ ngày càng phức tạp.
N.H - Thanh Phương