Cải cách tiền lương: Cần trả lương theo năng lực công chức

Chính trị - Ngày đăng : 10:49, 13/04/2012

Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia và đại biểu đề cập trong Hội thảo Định hướng cải cách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức giai đoạn 2013 - 2020 do Bộ Nội vụ và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức ngày 26-12.

Theo Bộ Nội vụ, định hướng lộ trình cải cách tiền lương từ 2013 - 2020 chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 2013-2015 sẽ tập trung nguồn lực ưu tiên điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với cán bộ công chức, viên chức phù hợp với phát triển KT-XH của đất nước. Đẩy mạnh triển khai thực hiện đổi mới phương thức hoạt động và cơ chế tài chính, tiền lương đối với đơn vị sự nghiệp công lập và khung giá dịch vụ theo cơ chế mới, đồng thời triển khai thực hiện Luật Viên chức.

Giai đoạn 2016-2020 tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp với tình hình KT-XH của đất nước. Cụ thể, từ năm 2016 thực hiện mở rộng quan hệ mức lượng tối thiểu - trung bình (tốt nghiệp đại học hết tập sự) - tối đa (chuyên gia cao cấp bậc 3, tương đương Bộ trưởng) từ 1,0 - 2,34 - 10,0 hiện nay lên 1,0 - 3,2 - 15,0. Trên cơ sở đó ban hành hệ thống bảng lương, ngạch, bậc mới bảo đảm tính hợp lý, phù hợp với thứ bậc trong hệ thống chính trị. Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp lương trên cơ sở xem xét đưa một số chế độ phụ cấp lương hiện hành vào mức lương theo quan hệ tiền lương mới.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị lao động của họ, một loại lao động đặc biệt - lao động tham mưu, giúp việcquản lý. Do đó, các giá trị xã hội của công chức giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất của tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ phát triển đã trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước. Vì vậy, cần phải sớm cải cách cơ bản chính sách tiền lương hiện nay là điều hết sức cấp bách.

Theo GS Bùi Thế Vĩnh (Học viện Hành chính), phải coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, với tầm nhìn ít nhất 5 năm và phải đạt đến một ngưỡng nhất định. Đặc biệt, tạo nguồn cho chính sách tiền lương, không chỉ là từ nguồn ngân sách mà cả vốn vay ODA với hiệu quả trả lương, cơ chế kiểm soát tiền lương chặt chẽ.

Nhiều đại biểu băn khoăn, cán bộ, công chức hiện nay không sống nổi bằng lương, nên đây là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, làm giảm hiệu quả của nền công vụ quốc gia. Vì thế, Đề án cải cách tiền lương của Bộ Nội vụ hướng tới mục tiêu tiền lương phải nâng lên để “công chức có thể sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội”.

Cần có chế độ lương đúng với mức độ cống hiến của công chức

TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động & Xã hội cho rằng, về nguyên tắc, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức phải được trả theo vị trí công việc trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh và hiệu quả thực thi nhiệm vụ, công vụ, cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chúng ta không tuân theo nguyên tắc này. Cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2013 - 2020 cần xác định rõ lộ trình thực hiện từng bước nguyên tắc trả lương theo vị trí công việc và hiệu quả công tác, chất lượng cung cấp dịch vụ công.

Theo hướng này, yêu cầu phân loại cán bộ công chức để có chế độ lương, đãi ngộ phù hợp là đề xuất của nhiều chuyên gia lâu nay. Tuy vậy, theo nhiều đại biểu, chính sách lương hiện hành của chúng ta chưa coi trọng đúng mức việc đánh giá năng lực, tài năng và mức độ cống hiến của mỗi cán bộ công chức. Do đó, việc phân loại cán bộ công chức trở nên cấp thiết, để có chế độ lương, chế độ đãi ngộ phù hợp.

Nhiều người chung quan điểm nhất là nên chia công chức thành 3 loại: cán bộ quản lý, chuyên gia tham mưu và đội ngũ thừa hành tác nghiệp. “Vai trò, trách nhiệm, tác động của cán bộ lao động công chức được phân tầng rất cao. Vì vậy, việc trả lương cũng phải thể hiện được đóng góp đó, tránh việc phân tầng càng hẹp thì không phản ánh được thực chất lao động của cán bộ công chức trong điều kiện kinh tế thị trường”, ông Trần Quốc Toản, đại diện Văn phòng Chính phủ nói.

Hiện nay, về lý thuyết, theo ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thang bảng lương áp dụng từ năm 2004 đến nay của chúng ta đã thể hiện được tính chất đó. Tuy nhiên, thực tế vận hành cụ thể lại chưa được như mong muốn. Vì vậy, việc phân biệt rõ ràng là điều cần tính lại.

Cũng theo ông Toản, trong 3 loại công chức trên, đãi ngộ tương xứng cho đội ngũ chuyên gia tham mưu chính sách là việc quan trọng cần phải tính đến trong thiết chế lương công chức giai đoạn tới. Một nền hành chính thiếu đội ngũ chuyên gia, tham mưu để xây dựng cơ chế chính sách là điểm yếu lớn của nền hành chính. Đãi ngộ của đội ngũ này hiện nay rất khác. “Lương cho đội ngũ này có khi còn phải cao hơn đội ngũ trực tiếp lãnh đạo, quản lý. Điều này chúng ta cần phải suy nghĩ khi phân loại cán bộ công chức để tính thang bảng lương”, ông Toản đề xuất. Làm được điều này, sẽ hạn chế được tình trạng chạy theo địa vị, chức vụ. Đây là điều rất lớn nhưng hiện nay chưa được xem trọng.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng cho biết, Dự thảo về Định hướng cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013 - 2020 hiện nay chưa rõ về những vấn đề trên. Tuy nhiên, Bộ đang tích cực đón nhận ý kiến góp ý hoàn thiện đề án để các giải pháp thời gian tới thể hiện rõ được những yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

PV

congly.com.vn