Những người lính giữa thời bình
Đời sống - Ngày đăng : 11:05, 13/04/2012
Những chiến sỹ trên “mặt trận” kinh tế
Năm 1967, anh Nguyễn Đình Đoàn tình nguyện nhập ngũ và vào Nam chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Do hai lần bị thương nên năm 1977, anh Đoàn được chuyển ngành. Vết thương trong chiến tranh đã làm anh bị thương tật sọ não, ảnh hưởng đến thần kinh và di chứng mù mắt. Rời quân ngũ trở về, anh phải đối mặt với bao khó khăn. Số tiền trợ cấp chính sách một lần, anh mua một căn hộ chung cư ở Phước Bình (quận 9, Tp. Hồ Chí Minh). Hai vợ chồng đi thu mua giấy phế liệu, mỗi ngày chỉ được vài ngàn đồng. Chiếc ti-vi 12inch được đem cầm nhiều lần, mỗi lần cầm 300 đến 400.000 đồng để trang trải nợ nần.
Năm 1998, Hội Cựu chiến binh (CCB) đã quan tâm, cho vay tín chấp 1 triệu đồng, vợ chồng anh có được chút vốn làm ăn. Tuy bị mù mắt nhưng anh Đoàn đã điều khiển cơ sở thu mua phế liệu của mình phát triển. Đến nay, cơ sở của anh Đoàn có 15 công nhân, thu nhập mỗi người từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng, doanh thu hàng tháng của cơ sở đạt gần 100 triệu đồng. Với ý chí phấn đấu vươn lên, anh Nguyễn Đình Đoàn không chỉ xóa nghèo đói cho gia đình anh mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho con em CCB và bà con trong khu dân cư.
Anh Nguyễn Đình Đoàn, thương binh hỏng mắt nên vợ đọc báo cáo điển hình thay cho anh.
Có lẽ trong số các thương binh nặng làm kinh tế giỏi thì trường hợp của anh Trần Quang Khải ở phường 9, quận Tân Bình là điển hình nhất. Rời quân ngũ với thương binh hạng ¼, do bị chấn thương sọ não và cột sống, anh Khải cùng vợ từ quê (Trực Thanh, huyện Trực Ninh, Nam Định) vào sống nhờ anh chị và bố mẹ ở Tp. Hồ Chí Minh để chữa bệnh. Nhờ anh trai có cơ sở làm vành xe đạp nhôm, hiệu “Tiền Tiến”, sau hai năm vừa chữa bệnh, vừa học nghề, vợ chồng anh Khải đã mở riêng cơ sở sản xuất vành xe đạp hiệu “Đồng Tiến”. Cơ sở ăn nên làm ra, hàng sản xuất không đủ bán. Tuy nhiên, không muốn làm mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với anh trai mình nên năm 1987, anh Khải đã quyết định thay đổi mặt hàng, làm hàng mạ khung cửa nhôm.
Để có được mặt hàng này, anh và bạn bè đã tự nghiên cứu, chế ra chiếc máy ép thủy lực có đường kính xi-lanh 900mm. Sản phẩm mới của anh Khải đã được thị trường đón nhận, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Không dừng lại ở đó, anh Khải còn lao vào sản xuất các loại cánh tản nhiệt cho máy móc phục vụ ngành thông tin quân đội, rồi mặt hàng tôn mạ kẽm. Hiện tại, Doanh nghiệp tư nhân Đồng Tiến do Trần Quang Khải làm Giám đốc có hai dây chuyền sản xuất mạ kẽm và làm màu. Doanh nghiệp có vốn 28 tỷ đồng, nộp thuế Nhà nước 2,2 tỷ đồng. Số công nhân lao động ở Đồng Tiến hiện có trên 100 người, trong đó có 20 anh em là hội viên Hội CCB, thương binh nặng. Doanh nghiệp hiện có 3 cơ sở sản xuất ở Tp. Hồ Chí Minh, Nam Định và Bà Rịa - Vũng Tàu, doanh thu hàng năm đạt 110 tỷ đồng.
Các thương binh điển hình tiên tiến của Tp. Hồ Chí Minh
Những người “tàn” nhưng không “phế”
Ở phường 4, quận 4 (Tp. Hồ Chí Minh), nhiều người dân rất yêu mến, cảm phục anh thương binh Dương Văn Hào. Anh Hào là thương binh 2/4, cụt cẳng chân, mất sức lao động 61% nhưng là người đi đầu trong phong trào bảo vệ trật tự an ninh xã hội. Địa bàn quận 4 vốn là nơi phức tạp về an ninh, tệ nạn xã hội. Sau khi xuất ngũ trở về, tháng 12-1999 anh Hào tham gia vào đội dân phòng, hằng đêm đi tuần tra canh gác để bảo vệ tài sản, an ninh trật tự trong các khu dân cư. Anh được người dân gọi là “khắc tinh” của bọn gây rối trật tự, hút chích ma túy, trộm cắp tài sản. Hàng chục vụ cướp giật, trộm cắp tài sản đã được anh Hào phát hiện, chặn đứng, thu hồi tài sản trả lại cho người bị mất. Trong “bảng thành tích” của anh có đến 39 bằng, giấy khen của chính quyền, đoàn thể trao tặng.
Cũng như anh Hào, anh Tưởng Đức Hùng ở phường 7, quận Bình Thạnh trở về địa phương với thương tật 82%, mất một chân, thương binh hạng ¼. Anh là người có nhiều chức danh: Bí thư chi bộ, Phó Ban điều hành khu phố, Chi hội trưởng Hội CCB. Từ một địa bàn phức tạp, với việc xây dựng qũy xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng khu phố văn minh sạch đẹp… anh thương binh Tưởng Đức Hùng đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng khu phố 2 trở thành khu phố văn hóa, không còn tệ nạn ma túy, 100% trẻ đến trường học, 100% con hẻm đã được bê tông hóa.
Những gương mặt thương binh điển hình của Tp. Hồ Chí Minh - họ, mỗi người một vẻ, mỗi người một lĩnh vực, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều mang trong mình phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ. Trong chiến đấu, họ đã can trường, hy sinh một phần thân thể của mình. Trong hòa bình, họ lại phấn đấu vươn lên, chiến thắng đói nghèo, nhiều người đã làm giàu chính đáng. Họ thật đáng trân trọng và cảm phục.
Nguyễn Văn Khôi