Triển khai chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản

Đời sống - Ngày đăng : 11:05, 13/04/2012

Ngày 14-12, Hội nghị trực tuyến triển khai Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản (DS-SKSS) Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được tổ chức tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

Chiến lược DS-SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14-11-2011. Nhiều mục tiêu cụ thể được đề ra như: Tốc độ tăng dân số ở mức khoảng 1% vào năm 2015 và ổn định vào năm 2020, chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức trung bình cao của thế giới vào năm 2020; Nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật và tử vong ở trẻ em, nâng cao sức khỏe bà mẹ, thu hẹp đáng kể sự khác biệt về các chỉ báo sức khỏe trẻ em, sức khỏe bà mẹ giữa các vùng miền; Giảm mạnh tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, đưa tỷ số này trở lại mức 105 -106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào khoảng năm 2025; Duy trì mức sinh thấp hợp lý, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sinh sản có chất lượng; Cải thiện SKSS của người chưa thành niên và thanh niên, các nhóm dân số đặc thù; Tăng cường lồng ghép các yếu tố về dân số vào hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển KT -XH…

Nhân viên y tế tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc Ba Na, xã vùng cao Bók Tới, huyện Hoài Ân. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Từ các điểm cầu tại các địa phương, các đại biểu dự Hội nghị đã góp nhiều ý kiến vào Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi DS-SKSS giai đoạn 2011-2015. Nhiều đại biểu cho rằng để truyền thông hiệu quả cần chọn giải pháp phù hợp với từng vùng, miền; đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường đối thoại, gặp gỡ, giao lưu nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa...

Hội nghị trực tuyến triển khai Chiến lược DS-SKSS tại điểm cầu Quảng Ninh

Riêng về vấn đề truyền thông, Phó Thủ tướng cho rằng phải xác định rõ mục tiêu, địa chỉ, đối tượng tác động và kiểm soát được; cần có sự phối hợp giữa các ngành, đặc biệt là với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hoạt động này. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần xây dựng và nghiên cứu cách quản lý hệ thống dịch vụ tư vấn, sàng lọc sơ sinh và không cho phép triển khai dịch vụ xác định giới tính khi sinh.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Y tế xem xét việc phân cấp, củng cố bộ máy chuyên trách công tác DS - KHHGĐ, tổ chức hợp lý để hoạt động có hiệu quả; sơ kết, rút kinh nghiệm trên tinh thần thống nhất là nên có bộ máy chuyên trách công tác này. Các ngành hữu quan tập trung điều chỉnh các chính sách về mặt tài chính, hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động liên quan, bảo đảm nguồn lực cho công tác DS - KHHGĐ… Các ngành, địa phương cũng cần xác định những chỉ số tối thiểu để giám sát kết quả công việc hàng năm tại các địa phương và trong cả nước...

Phúc Hằng

congly.com.vn