Cảnh giác với “quả bom” gas trong nhà

Đời sống - Ngày đăng : 11:05, 13/04/2012

Vụ việc nổ gas gây sập nhà ở Hà Nội dẫn đến cái chết thương tâm của hai cháu bé vừa xảy ra đã gióng lên một hồi chuông về mức độ nguy hiểm của những “quả bom” gas trong mỗi gia đình, chỉ cần sơ suất sẽ có thể dẫn đến những tai nạn ngoài ý muốn.

Chiều 5-11, Đại tá Hoàng Quốc Định, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết đã có kết luận sơ bộ ban đầu về nguyên nhân vụ nổ khí gas làm sập nhà 2 tầng ở ngõ 22 Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội sáng 3-11.

Hậu quả, anh Trần Nhật Minh (41 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thu Ngân (37 tuổi) bị bỏng nặng, đưa đi viện cấp cứu. Hai cháu Trần Duy Anh (6 tuổi) và Trần Thị Tâm (14 tuổi) bị trần nhà sập xuống, dù đã được các nhân viên cứu hộ đưa ra ngoài nhưng đã tử vong.

Nguyên nhân ban đầu xác định do khí gas bị rò rỉ tích tụ lại trong nhà và khi gặp sự kích hoạt của tia lửa điện hoặc mồi lửa gây ra bùng phát đột ngột về áp suất và gây vụ nổ kinh hoàng này.

Theo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, bình gas thu tại hiện trường vụ nổ được xác định của Công ty Ngọn Lửa Thần, vẫn còn nguyên vẹn sau vụ tai nạn. Khả năng rò rỉ do dây dẫn hay do van khóa bình ga bị hở vẫn đang được các cơ quan chức năng giám định.

Thị trường gas cần được sự quản lý, giám sát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi, tính mạng của người tiêu dùng (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Việc dùng gas để đun nấu rất tiện lợi, văn minh, thế nhưng không một ai biết những chiếc bình gas như “quả bom” trong nhà. Mỗi một kg gas hóa lỏng tương đương với 25 lít khí gas. Chỉ cần 1 kg gas rò rỉ ra ngoài kết hợp với không khí cũng có thể tạo ra một khối khí nổ rất lớn.

Để sử dụng bếp gas an toàn, đặc biệt là xử lý khi có sự cố rò rỉ gas cần phải được tư vấn, hướng dẫn kỹ càng. Nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra chỉ vì sự kém hiểu biết. Có người khi phát hiện gas rò rỉ đã vô tư bật đèn điện, gọi điện thoại di động thậm chí bật quạt phù phù để xua khí gas. Họ có biết đâu rằng chỉ một cái đánh lửa của công tắc điện cũng biến căn nhà sặc mùi gas thành "quả bom lửa". Hay như, có nhiều gia đình cẩn thận đến mức cho bình gas vào trong tủ gỗ đóng cửa kín, hoặc để bình gas sâu dưới lòng đất...

Có ngàn lẻ một lý do để khí gas có thể rò ra ngoài như: dây dẫn lỏng, khóa bình bị hỏng, van bị hư, chuột làm bật dây, thủng dây, bình bị mòn…Khí gas nặng hơn không khí và quẩn lại thành một “sát thủ giấu mặt”. Khi có tia lửa sẽ bùng lên thành biển lửa.

Trước tình huống này nếu như có kiến thức thì mọi việc thật đơn giản ví như khóa bình, mở cửa thông thoáng, không bật bất cứ thiết bị điện hay gọi điện trong khu vực đang có khí gas rò rỉ. Trường hợp ngôi nhà trên bị khí gas bùng nổ rất có thể khi ngủ dậy, người trong gia đình bật bếp hoặc bật công tác điện.

Bên cạnh việc cảnh giác với khí gas khi bị rò rỉ, người dân khi dùng bếp gas làm phương tiện nấu nướng thì thường xuyên kiểm tra các thiết bị gas. Dây truyền gas từ bình đến bếp nên 1 năm thay một lần. Còn van gas, 2 năm thay một lần. Các thiết bị này trong quá trình sử dụng bị các chất thức ăn bắn vào nên rất nhanh bị ô xi hóa…

P.Lan

congly.com.vn