Bi hài chuyện làng lên phố

Đời sống - Ngày đăng : 11:04, 13/04/2012

Khi quá trình đô thị hóa lan tỏa, đã có nhiều sự thay da đổi thịt ở một số làng quê ven đô. Nhà cao tầng, nhà máy, khu công nghiệp mọc lên san sát thay cho những cánh đồng cò bay thẳng tắp, tiếng gầm rú của động cơ ô tô, xe máy thay cho lốc cốc tiếng mõ trâu… Nhưng ẩn đằng sau vẻ hào nhoáng đó, cũng nảy sinh rất nhiều hệ lụy mà người dân nơi đây đang phải đối mặt.

Cổng làng vẫn còn nhưng làng đã hóa phố

Cái thuở nhà nhà đi bán đất


Chúng tôi về Chương Mỹ (Hà Nội) khi cơn sốt đất vừa tràn qua vùng đất này được gần 2 năm. Quãng thời gian không dài, nhưng cũng đủ để những người dân nơi đây chiêm nghiệm lại cái được, cái mất của quá trình đô thị hóa.


Điều dễ dàng nhận thấy ở đây là sự thay đổi về hình dáng, nhà cao tầng mọc lên san sát, phố xá nhộn nhịp, hàng quán giăng đầy. Tuy vẫn còn đôi nét “phố quê” ẩn chứa trong từng căn nhà, từng gương mặt, nhưng nó cũng cho thấy sự vận động, thay đổi mãnh liệt từ một vùng đất mới.


Nhớ lại quãng thời gian cách đây khoảng gần 2 năm trở về trước, ông Nguyễn Văn Bình (65 tuổi, ở Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội) tâm sự: “Ngày đó, cả cái làng này như “thất điên bát đảo” vì đất, ai cũng chăm chăm xem nhà mình có thể cắt chỗ nào ra mà bán. Từ đất ông cha, đất hương hỏa, đất ruộng, đất vườn, tất thảy đều được người ta mang ra tính tính, toán toán xem bán được bao nhiêu, bán để sắm sanh cái gì. Chả còn ai lo đến vườn tược, ruộng vườn nữa. Trẻ con lơ là chuyện học, suốt ngày chơi lang thang ngoài đường tìm dẫn khách về cho bố mẹ, thanh niên đàn đúm, la cà quán xá…”

Ông Bình kể, trước đây Phụng Châu nổi tiếng với những cánh đồng mía chạy xa tít hút. Cái giống mía thân tròn lẳn, mọng nước, vừa thơm, vừa ngọt được các thương lái mang đi khắp các tỉnh miền Bắc. Giờ đây, cánh đồng mía biến mất hoàn toàn, quá trình đô thị hóa đã lấy đi từng mét đất. Bỏ lại sau lưng những trâu bò, cày cuốc và cũng bỏ lại cả hàng ngàn lao động dôi dư không có việc làm. Gần như gia đình nào trong xã có đất thừa đều bán hết, bán cho tư nhân làm trang trại, bán cho doanh nghiệp xây nhà máy, số tiền thu được người ta dùng vào việc xây dựng, sửa sang nhà cửa, mua sắm trang thiết bị, ô tô, xe máy, chia cho con cháu… Tiền chảy chót vót lên những ngôi nhà mái thái, chảy lên rặng ăng ten ken dày cao lừng lững, chảy vào chiếu tổ tôm, chảy ra sân gà chọi, và cũng chảy luôn ra cà phê đèn mờ, đèn tỏ.


Đi sâu vào những xóm nằm dưới chân núi chùa Trầm, tôi vẫn bắt gặp nhiều tấm biển rao bán đất đã bị ố vàng đứng lắt lay, siêu vẹo bên đường, như một chứng tích về một thời “nhà nhà bán đất”. Có lẽ người ta không muốn nhổ chúng đi, mà để chờ một “cơn sốt” khác. Chờ để thực hiện cái ước mơ, cái khát vọng về ngôi nhà cao tầng và những xếp tiền xanh mét. Chờ, để bằng chị, bằng em, bằng hàng xóm.


Trên con đường dài chừng 3km chạy xuyên qua thị trấn Chúc Sơn, dễ có đến gần trăm cửa hàng quần áo thời trang, vài chục cửa hàng điện thoại và cũng ngần ấy tiệm cà phê, gội đầu. Hàng ngày, các bà chủ chỉ lo túm năm, tụm ba “buôn dưa lê”, bởi hàng hóa cũng đâu có mấy người mua. Người ta cứ mở ra thế thôi, mở để gọi là có công ăn việc làm, mở bằng những đồng tiền bán đất. Bất chợt, tôi có cảm giác sự phát triển từ làng, lên phố ở đây có cái gì đó chông chênh. Nó giống như cái cách những người dân lam lũ quen ngồi bệt sân đình, nay họ phải cố giữ thăng bằng trên ghế, trên so pha trong quán cà phê. Chông chênh ngay cả trong hơi thở cuộc sống của những con người ngày ngày đi loanh quanh từ tầng một lên sân thượng mà chả biết làm gì. Đi chán cho hết ngày. Tối tối, vác xe chạy lên cà phê đèn mờ đùa vui với mấy em váy ngắn, chân dài. Thảng hoặc, lại có những vợ, những mẹ kéo lên tận quán chửi bới, nhiếc móc om xòm như thể phường chèo.


Giá đất đi lên, tình người đi xuống


Công bằng mà nói, khi cơn sốt đất tràn qua, nó đã mang “hơi thở đô thị” thổi qua từng ngõ ngách của vùng quê ven đô này, đời sống người dân cũng nhờ đó mà thay đổi. Đã không còn cảnh nhà tranh, vách đất, bốn bề gió lùa thông thống; không còn những con đường làng ngầu sục phân trâu, phân bò; và cũng không còn cảnh người dân chân lấm tay bùn, ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tối về “hai xoa, ba đập” lên giường.

Một góc phố trong làng Ảnh: CTV


Nhưng, có một thực tế không thể chối bỏ, đô thị hóa càng nhanh thì đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, lao động dư thừa, từ đó, hình thành lên nhiều “làng thất nghiệp”, “xóm không việc làm”. Với những người dân quen với ruộng đồng, cày cuốc, tự dưng lên phố, lên phường, họ vất vả, loay hoay tìm đủ mọi phương kế để kiếm sống, từ kinh doanh, buôn bán đến xe ôm, cửu vạn. Nhưng, có lẽ, công việc thu hút nhiều lao động nhất là làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp vừa được dựng xây trên mảnh ruộng, mảnh vườn của cha ông họ để lại. Do chưa được đào tạo bài bản, những bàn tay, khối óc chỉ quen với cây lúa củ khoai, nay có được nhận vào làm công nhân thì cũng hưởng đồng lương rẻ mạt. Trong cái hành trình mưu sinh đầy gian nan ấy, đã có không ít sự trả giá bằng tiền bạc, mồ hôi công sức, đôi khi cả bằng tính mạng.


Người dân ở Chương Mỹ vẫn không quên vụ án đau lòng xảy ra ở công ty Giai Đức (KCN Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) vào ngày 23-6-2011 vừa qua. Vì thu nhập quá thấp, hàng trăm công nhân, phần lớn là người địa phương, đứng ra biểu tình đình công đòi công ty tăng lương, hỗ trợ thêm tiền ăn… Một bảo vệ đã lao cả chiếc ô tô 1,5 tấn vào đám công nhân này, gây tử vong cho chị Nguyễn Thị Liễu, và làm bị thương 6 nữ công nhân khác, trong đó có một người đang mang thai tháng thứ 7.


Nói như Trung úy Nguyễn Tuấn Anh (Công an huyện Chương Mỹ): “Mỗi khi sốt đất hay có dự án, quy hoạch, đền bù…, chính quyền địa phương lại lo nơm nớp. Không chỉ những vấn đề khiếu kiện liên quan đến quyền lợi, chính sách của người dân, mà còn phải lo cả cái chuyện tìm hướng giải quyết công ăn, việc làm cho họ. Như thế, một phần cũng để ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Bởi, với một số tiền lớn thu được từ bán đất, từ đền bù, người dân vốn quen cảnh sống chắt chiu dành dụm, nay bỗng nhiên giàu lên một cách nhanh chóng, đột ngột, họ không khỏi ngỡ ngàng. Có không ít gia đình, con cái chơi bời lêu lổng không có việc làm, sẵn tiền bán đất mang ra tiêu xài phung phí vào những trò chơi vô bổ, cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm mà cuối cùng phải rơi vào vòng lao lý”.


Không chỉ có chuyện công ăn, việc làm, thu nhập, khi những ngôi làng chuyển mình lên phố, người dân phải mang theo bao nỗi âu lo, toan tính. Cái bản chất thật thà, chất phác nơi họ cứ rơi rụng dần theo guồng quay sôi động của cuộc sống phố phường. Cái văn hóa cộng đồng làng xã, tình làng nghĩa xóm cũng vì thế mà ngày càng mai một. Thế mới có chuyện gia đình anh Tài (ở Thị trấn Chúc Sơn) vác đơn kiện đòi vài mét đất bờ rào đã cho nhà hàng xóm từ mấy chục năm trời. Đòi bằng mồm, bằng đơn không được, anh vác dao sang đòi. Giờ đây, bố mẹ, vợ con anh ở nhà, vừa tiếp tục đi đòi, vừa lo tiếp tế cho anh trong trại giam. Hay như trường hợp xâm hại di tích nhà thờ danh nhân Lê Ngô Cát (ở Thụy Hương, Chương Mỹ, Hà Nội) mà báo Công lý đã có bài phản ánh. Cũng chỉ vì ham muốn đồng tiền, một người cháu đời thứ 5 của dòng họ đã tìm cách làm sổ đỏ rồi bán đi mất hơn 200m2 đất nhà thờ, lấy tiền xây nhà để ở trên khuôn viên di tích, gây phẫn nộ không những cho cả dòng tộc, mà còn tạo sự bất bình trong nhân dân.

Ông Mai Ngọc Thích, Chánh văn phòng UBND huyện Chương Mỹ, tâm sự: “Vẫn biết đô thị hóa là xu thế tất yếu của xã hội, nhưng đôi khi nếu con người ta không tỉnh táo thì rất dễ đánh mất mình vì đồng tiền, vì lợi nhuận, vì cám dỗ phồn hoa. Trong vài năm qua, chính quyền cũng đã có thông tin tuyên truyền nhiều cho nhân dân học tập, tiếp thu những kiến thức mới mẻ về cuộc sống, khuyến khích họ giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời. Dù xã hội có phát triển đến đâu, vẫn phải đề cao giá trị nhân văn, lấy con người làm trung tâm…”.

Nguyễn Trung Thành

congly.com.vn