Hối thì đã muộn
Đời sống - Ngày đăng : 11:04, 13/04/2012
Không mấy khó khăn khi hỏi đến nhà Dương Đình Tám (SN 1989) ở thôn Đồng Thanh, xã Thạch Đồng, Tp. Hà Tĩnh. Tám vừa mới được trại giam Xuân Hà trả tự do về sum họp với gia đình, bạn bè ngày 31-8 vừa qua. Tám nói: "Ở trong tù gần một năm, em mới thấy được cái giá mà mình phải trả và càng trân trọng cuộc sống biết bao. Từ nay về sau em không dám uống rượu rồi chạy xe nữa, vì vấp ngã một lần rồi mình phải biết đứng dậy làm lại".
Dương Đình Tám kể: Hôm đó (23-3-2010), sau khi đi làm về, Tám và một số người bạn cùng nhau đi uống rượu, chia tay bạn. Ra về, khi đến ngã ba, xe của Tám đâm phải một xe máy khác đi ngược chiều, lúc đó hai xe chạy nhanh nên hậu quả làm anh Hồ Xuân Bình trú ở xóm 11, xã Thạch Khê bị chết, còn Tám bị thương nặng. Vì biết mình đã sai nên Tám cùng gia đình đã chủ động lo đám tang cho anh Bình chu đáo, xây dựng mồ yên, mả đẹp cho anh và vay mượn anh em, bà con hỗ trợ cho gia đình anh Bình 40 triệu đồng. Sau vài tháng, Tám cưới vợ và tưởng rằng cuộc sống êm đẹp diễn ra, nào ngờ gia đình anh Bình đã gửi đơn lên các cấp và kết quả là Tám cưới vợ chưa có tuần trăng mật thì phải xa người vợ trẻ, chịu phạt tù vào ngày 11-10-2010 với mức án 15 tháng.
Kiểm tra nồng độ cồn của người đi xe
Anh Hồ Sỹ Long, Trưởng Công an xã Thạch Đồng nói: Dương Đình Tám là công dân tốt, hiền lành chất phác, chịu khó làm ăn, tuy nhiên do bị bạn bè rủ rê uống rượu nên gây tai nạn thương tâm trên, tưởng đã đền tiền để thoát án tù nhưng cũng không được. Sau khi ở trại giam về, Tám đã lên Ủy ban xã để trình diện và chúng tôi đang cử người theo dõi, giúp anh từng bước hòa nhập với xã hội.
Tương tự như Tám, chúng tôi gặp anh Cao Viết Danh (SN 1982) ở xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn, là người vừa được trả tự do trong dịp Quốc khánh. Danh tâm sự: “Trước đây tôi làm nghề lái xe tải, có bằng cấp đầy đủ và thường chạy xe chở hàng nên tôi có kinh nghiệm trong xử lý các tình huống. Nhưng chỉ vì uống rượu vui cùng bạn bè và hậu quả là gây tai nạn chết người. Khi gây tai nạn tôi hối hận vô cùng và đã lo chạy khắp nơi để vay tiền hỗ trợ cho người bị hại. Tôi đã bị Tòa tuyên án phạt tù 1 năm, 6 tháng, để lại gia đình với nợ nần chồng chất. Vào trại giam tôi mới thật hiểu hai chữ "tự do" và càng hối hận hơn khi chỉ vì một vài cốc rượu với bạn bè rồi bốc đồng, để rồi đem đến hậu quả đáng tiếc. Bây giờ trở về nhà chưa có việc làm, nhưng thật sự tôi xin chừa không dám uống rượu, bia nữa”.
Được biết danh sách đặc xá năm nay có 10 người đều độ tuổi thanh niên, trung niên là người Hà Tĩnh với tội danh "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ", trong đó rất nhiều người do dùng bia, rượu khi điều khiển phương tiện. Lãnh đạo Trại giam Xuân Hà cho biết: Đa số những người vào đây do vi phạm luật an toàn giao thông trong quá trình cải tạo đều nhận thức rõ hành vi sai trái của mình và rất ăn năn hối lỗi. Xuất thân từ những công dân tốt nên họ biết phấn đấu để được hoàn lương trước thời hạn.
Tấm gương tầy liếp như vậy, nhưng trong những tháng gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn thảm khốc, phần lớn các vụ tai nạn xảy ra đều xuất phát từ sự chủ quan của người điều khiển phương tiện, và nhiều vụ tai nạn có nguyên nhân từ dùng bia, rượu rồi không làm chủ được tay lái.
Trong Tháng An toàn giao thông, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ngành Công an ra quân kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trên các trục đường. Đặc biệt, hưởng ứng chủ đề "Phòng chống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông", Công an Hà Tĩnh đã phối hợp với Tỉnh đoàn phát động Tháng An toàn giao thông, tuyên truyền mạnh mẽ trong tầng lớp thanh, thiếu niên và nhân dân để mọi người hiểu biết luật và thực hành nghiêm chỉnh.
Thông điệp "đã dùng bia, rượu thì không cầm lái" vẫn luôn là bài học cần nhớ cho những người tham gia giao thông.
Công Tường