Thắp sáng nguồn điện bằng nhiệt huyết và con tim những người thợ trẻ
Đời sống - Ngày đăng : 11:04, 13/04/2012
Những tháng năm gian khó
Cách đây hơn 4 năm (quý I-2007), ông Nguyễn Thanh Kim với cương vị là Tổng Giám đốc Công ty CP thủy điện Sông Đà - Hoàng Liên cùng các cộng sự đã chọn xã Sử Pán, cách thị trấn Sa Pa khoảng 20 km làm điểm "hạ trại" để tiến hành khai thác nguồn thủy năng con suối Ngòi Bo - Mường Hoa bằng việc xây dựng Nhà máy thủy điện Sử Pán 2 nhằm góp phần cải thiện một phần sự thiếu hụt điện năng cho hệ thống điện cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế huyện Sa Pa nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Đây là công trình nằm trong quy hoạch bậc thang thuỷ điện Ngòi Bo có tổng công suất lắp máy là 34,5 MW.
Thủy điện Sử Pán 2.
Cùng với những công trình thuỷ điện vừa và nhỏ đã được Bộ Công nghiệp phê duyệt xây dựng trước là Séo Chung Hô, Sử Pán 1, Nậm Củn, Tà Thàng, Nậm Sài, Nậm Toóng, công trình thuỷ điện này có nhiệm vụ khai thác thuỷ năng thuộc thượng nguồn Ngòi Bo, nhằm phục vụ nhu cầu điện năng trong vùng và cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia mỗi năm 165 triệu Kwh.
Thuỷ điện Sử Pán 2 có tổng vốn đầu tư ban đầu là 667,5 tỷ đồng, dự kiến thi công trong thời gian 3,5 năm (dự kiến hoàn thành vào 31-5-2010). Để hoàn thành công trình, đơn vị thi công phải làm khối lượng công việc khổng lồ: Lắp đặt hơn 3.000m đường ống dẫn chính, đào trên 10 vạn khối đất, xây hàng vạn mét khối đập chính và đập bờ kè. Sau 3 năm khởi công, đến tháng 3-2009, gần 2/3 khối lượng xây dựng cơ bản của công trình đã hoàn thành.
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Toàn, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Sông Đà 7, là một trong hai người từng trực tiếp phụ trách khâu kỹ thuật thi công ở đây từ những ngày đầu cho biết, anh từng tham gia xây dựng nhiều công trỉnh thủy điện, phần gay go nhất trên công trường bao giờ cũng là việc thi công đập tràn. Ở Sa Pa địa hình phức tạp, nên việc thi công đập tràn càng phức tạp và khó khăn hơn. Các anh phải chọn địa điểm xây đồng thời từ hai bờ đã đành, nhưng cũng phải lắng nghe dự báo thời tiết vì những trận mưa lũ rừng đầu nguồn là rất bất thường. Do vậy 6 tháng mùa khô phải phấn đấu đạt cao trình đồng đều hai bờ là 680m, và các hạng mục này đã hoàn thành đúng tiến độ. Đồng thời Công ty cũng vừa chế tạo, vừa lắp đặt 3.000m đường ống dẫn chính. Cuối năm 2009, các thiết bị của nhà máy đã được vận chuyển từ nước ngoài qua cửa khẩu về đến công trường. Từ quý I-2010, bắt đầu lắp đặt các thiết bị của tổ máy để đến tháng 6-2010 phát điện.
Vào thời điểm này, cùng với thi công thuỷ điện Sử Pán 2, Công ty CP Thuỷ điện Sông Đà - Hoàng Liên còn tiến hành chuẩn bị cho việc xây dựng thuỷ điện Nậm Củn (công suất 40MW). Đường thi công từ Sử Pán 2 đi Nậm Củn đã thông được 3/9km. Việc thi công vai đập cũng đang thực hiện. Công việc đang tiến hành thuận lợi, bỗng dưng...
Sự cố bất ngờ
Vào thời điển công trình đang băng băng về đích hẹn ngày phát điện vào đúng dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV (2010 - 2015) thì công trình gặp sự cố do khách quan đưa lại. Lúc 20h ngày 25-12-2010, tại đây đã xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng với khoảng 40.000 m3 đất đá từ cao độ 618 của Nhà máy thủy điện Nậm Toóng do Công ty CP Thủy điện Sa Pa làm chủ đầu tư đã sạt lở trôi xuống Nhà máy thủy điện Sử Pán 2, vùi lấp toàn bộ tổ máy số 3 và các thiết bị rơle, bảng điều khiển trung tâm...
Vào thời điểm này Nhà máy thủy điện Sử Pán 2 đã lắp đặt xong tổ máy 1 và stato tổ máy số 2, đang thi công van cầu của tổ máy số 3. Vậy là nhà máy đành lỗi hẹn phát điện vào cuối năm 2010, bởi sự cố sạt lở đất đã phá hủy nhiều thiết bị, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng nên phải chậm tiến độ điện lên lưới.
Ngay sau sự cố bất ngờ xảy ra, lãnh đạo tỉnh đã sớm chỉ đạo hai nhà máy thủy điện Sử Pán 2 và Nậm Toóng cùng địa phương khắc phục sự cố sạt lở đất, ổn định đời sống nhân dân địa phương và sau khi kiểm tra đạt yêu cầu mới cho phép hai đơn vị trên tiếp tục thi công.
Do khối lượng đất đá sạt lở quá lớn, huyện Sa Pa đã huy động các ngành chức năng cùng lãnh đạo huyện Sa Pa và xã Bản Hồ tiến hành nạo vét đất đá đồng thời làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của đơn vị gây ra vụ sạt lở...
Đại diện hai đơn vị Nậm Tóng và Sử Pán cũng đã trao đổi, thỏa thuận với nhau về mức độ thiệt hại và xem xét bồi thường trước sự đóng vai trò trọng tài của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Nhưng phải 8 tháng sau, Sử Pán 2 mới được bên gây hại chấp nhận đền bù.
Trước đó, công ty đã phải vay ngân hàng hàng trăm tỷ đồng để khắc phục sự cố. Đó là thời điểm hết sức khó khăn của Công ty, bởi giá trị đầu tư xây dựng nhà máy tăng lên gấp rưỡi (từ 165 tỷ lên gần 950 tỷ đồng, trong khi lương của công nhân chỉ lĩnh với mức tạm ứng đủ để trang trải ở mức tối thiểu. "Nếu không có sự nhiệt tình và quyết tâm cao của lãnh đạo cũng như tập thể CBCNV Công ty thì không có dòng điện ngày hôm nay" - Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Kim nói.
Niềm vui ngập tràn
Đúng 18h ngày 8-9-2011, tổ máy số 1 đã chính thức hoạt động. Ông Kim cười lạc quan, nói: Trong thời gian tới Công ty sẽ tiếp tục đầu tư 85 tỷ đồng xây dựng gần 25km đường dây đấu nối chuyển tải điện tới trạm biến áp Tằng Lỏong (Bảo Thắng) để dòng điện của cả 3 tổ máy được hòa vào lưới điện quốc gia.
Khi Nhà máy thủy điện Sử Pán 2 phát điện cả 3 tổ máy, công suất sẽ là 34,5 MW, cung cấp trên 165 triệu Kwh/năm, tương đương sản lượng điện cung cấp cho sinh hoạt dân dụng cả tỉnh Lào Cai mỗi năm.
Sau khi hoàn thành, công ty sẽ sử dụng đến 40% công nhân kỹ thuật vận hành là con em các dân tộc địa phương. Trước đó, công ty đã tuyển chọn và gửi đi học trên 20 công nhân kỹ thuật là con em các dân tộc địa phương vùng dự án. Công ty cũng có kế hoạch lâu dài để đóng góp trồng cây, tái tạo môi trường đảm bảo màu xanh và nguồn nước cung cấp bền vững cho thủy điện hoạt động. Theo hướng này, chẳng bao lâu nữa, đập thủy điện Sử Pán 2 sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng thu hút khách du lịch đến với vùng hạ huyện Sa Pa, Lào Cai.
Lục Văn Toán