Mối nguy từ thủy điện sông Đồng Nai

Đời sống - Ngày đăng : 11:04, 13/04/2012

Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phối hợp Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên vừa tổ chức hội thảo “Quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực sông Đồng Nai”, trong đó bàn về trường hợp xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Dự án 6 và 6A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 vào ngày 21-7-2011. Trước đó, Bộ NN-PTNT được Thủ tướng Chính phủ giao phối hợp các Bộ, ngành liên quan tiến hành khảo sát thực tế diện tích vùng ngập của dự án 6 và 6A.

Hiện đã có quá nhiều đập thủy điện được xây dựng trên lưu vực sông Đồng Nai

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trên địa bàn huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), Đắk RLấp (Đắk Nông) và Bù Đăng (Bình Phước). Tổng diện tích sử dụng 372,24 ha (vùng ngập nước: 257,77 ha và công trình xây dựng: 114,46 ha), trong đó VQG Cát Tiên bị ảnh hưởng 130,43 ha. Theo kết quả kiểm kê rừng phần bị ngập theo sông Đồng Nai chủ yếu là tình trạng rừng xanh, rừng hỗn hợp tre nứa; các loại rừng chủ yếu là rừng nghèo, rừng non phục hồi, đa dạng sinh học…

Bộ NN-PTNT cho rằng, việc xây dựng 2 công trình này tuy có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học trong VQG Cát Tiên và Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, nhưng ít ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bảo tồn tê giác và sinh cảnh Bàu Sấu (cách khu vực Tê Giác 7km và Bàu Sấu 25km).

Đe dọa hệ sinh thái

Tại hội thảo, khoảng 30 ý kiến bày tỏ quan ngại dự án thủy điện 6 và 6A được xây dựng gây ra tác động lớn đối với hệ sinh thái VQG Cát Tiên. Nhất là hệ thống sông Đồng Nai đang “oằn mình” gánh hàng loạt thủy điện lớn nhỏ và hồ chứa tích nước đầu nguồn, làm thay đổi dòng chảy, tăng lưu lượng đỉnh lũ và ô nhiễm sông.

TS Vũ Ngọc Long, Phó Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho biết, theo quy hoạch, đầu nguồn dòng chính sông Đồng Nai dài 420 km nhưng có 14 thủy điện, 290km sông La Ngà có 5 thủy điện, 350km sông Bé có 6 thủy điện. "Với mật độ thủy điện dày đặc như thế, sông Đồng Nai đã bị chia cắt thành những cái ao khổng lồ. Nay nếu “gánh” thêm 2 thủy điện 6 và 6A làm thay đổi cơ cấu dòng chảy, tăng khả năng đe dọa lũ vào mùa mưa, làm thiếu nước sinh hoạt mùa khô", ông Long phát biểu.

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc VQG Cát Tiên, cho rằng với hơn 130 ha bị ảnh hưởng đã tác động đến nhiều loại động vật quý hiếm chỉ có ở đây như tê giác, cá sấu nước ngọt, chim trĩ... Còn theo khảo sát của Viện Sinh học nhiệt đới, tại khu vực 2 thủy điện này tác động đến khoảng 14 loài thú thuộc loại quý hiếm có giá trị bảo tồn như khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, chà vá chân đen, vượn đen má vàng... "Vì vậy, khi xây dựng các công trình thủy điện dẫn đến mất sinh cảnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tập tính, nguồn thức ăn của hệ thú trong khu vực", ông Long nói.

Chưa lường hết tác động

Theo phân tích của các nhà khoa học, báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện 6 và 6A đã bỏ qua hoặc không đầy đủ các chi tiết cần thiết như thay đổi hệ sinh thái, thay đổi môi trường sống của động vật hoang dã, di dân và sinh kế, quản lý và bảo vệ rừng, thay đổi mực nước, xói lở hạ lưu, bồi lắng lòng hồ...

TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) đặt câu hỏi: "Sơ đồ bậc thang thủy điện dày đặc cộng thêm 2 thủy điện 6 và 6A thì hệ sinh thái rừng và môi trường nước sẽ thay đổi thế nào?". Ông Tuấn nói nhiều người nghĩ thủy điện là nguồn năng lượng rẻ tiền, dễ tái tạo và thân thiện với môi trường, nhưng qua nghiên cứu thực tiễn cho thấy đập thủy điện đã làm tăng rủi ro về môi trường và sinh thái xã hội. Bởi hiện nay 16 thủy điện trên sông Đồng Nai là 16 bản đánh giá tác động môi trường riêng lẻ nhưng không hề có một đánh giá tác động môi trường cho toàn lưu vực sông để xem xét tác hại khi đồng loạt các thủy điện vận hành.

Đề cập đến đánh giá tác động môi trường của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ông Tuấn phát biểu: "Chưa đầy đủ, chưa thuyết phục và chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn. Đặc biệt là chủ đầu tư đã bỏ qua hoặc đánh giá không đầy đủ 11 chi tiết liên quan đến môi trường sống của các loài hoang dã, sinh kế di dân, thay đổi hệ sinh thái, xói lở hạ lưu…".

Tương tự, ông Lâm Đình Uy, Điều phối viên sông ngòi Việt Nam bức xúc cho rằng, qua xem xét đánh giá tác động môi trường của 2 dự án thủy điện đã có nhiều lỗ hổng trong điều tra xã hội. Bởi quá trình điều tra, phiếu điều tra của chủ đầu tư không có nhiều thông tin, nội dung phỏng vấn không thích đáng, không đề cập đến đời sống ngư dân... "Do đó, tôi kiến nghị cần dừng 2 dự án lại để đánh giá toàn diện những tác động xã hội", ông Uy nói.

Đa số các nhà khoa học kiến nghị: "Cần tiến hành đánh giá lại toàn diện những tác động môi trường, xã hội của 2 dự án và xây dựng các giải pháp giảm thiểu hợp lý và cụ thể, trước khi thực hiện 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A".

Hoàng Tuấn - Kim Cương

congly.com.vn