Gạ tình, xử thế nào?

Đời sống - Ngày đăng : 11:04, 13/04/2012

Có một từ mà gần đây chúng ta nghe nhiều hơn trên báo chí, trên các diễn đàn và trong đời sống, đó là từ… “gạ tình”. Nó còn có một tên gọi khác là “quấy rối tình dục”, được hiểu là những hành vi, cử chỉ, cách cư xử hướng vào sự khác biệt giới tính, với ý đồ không lành mạnh.

Điện thoại của nữ sinh lưu lại những tin nhắn thầy nhắn tin gạ tình

Thực trạng buồn


Thầy có thể gạ tình ngay trong chính phòng làm việc của mình: “Em lên phòng thầy nhờ chút việc….” học sinh vui vẻ lên phòng thầy vì nghĩ là được thầy “tín nhiệm” thì bất ngờ thầy giáo đóng sầm cửa lại, dùng những lời lẽ đe dọa học sinh về năng lực học tập, đạo đức, hạnh kiểm để các em lo sợ, rồi thầy buộc các em để thày “muốn làm gì thì tùy… Sầm Đức Sương, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Lâm, Hà Giang đã “áp dụng” phương

Một nữ sinh làm đơn tố cáo thầy gạ tình

thức gạ tình này trong suốt một thời gian dài mới bị bắt.


Hay một cách rất đơn giản: nhắn tin điện thoại. Thầy N, trường Đại học Tây Nguyên đã và đang bị sinh viên D tố cáo về kiểu gạ tình này và thầy N đã bị nhà trường xử lý cảnh cáo và Cơ quan điều tra tỉnh Đắk Lắk đang xem xét khởi tố vụ án hình sự để làm rõ. Hay “thầy” Nguyễn Tư Đông, giảng viên Trường Phát thanh truyền hình đã bị đuổi việc về hành vi buộc một nữ sinh viên phải đi khách sạn với “thầy”. Từ tố cáo hết sức thuyết phục của nữ sinh viên về hành vi đồi bại của “thầy” Đông thì nhà trường và cơ quan chủ quản đã buộc thôi việc.

Vấn đề đặt ra ở đây là, pháp luật hiện nay có những hình phạt nào dành cho những kẻ được coi là “thầy” nhưng lại suy đồi về đạo đức?


Như đã nói ở trên, hành vi chúng ta bàn đến là hành vi “gạ tình”, hay còn gọi là “quấy rối tình dục” và mọi người đều biết đến, nhưng hiện nay, trong BLHS cũng như trong các Bộ luật khác của Việt Nam chưa hề có định nghĩa chính xác thế nào là “quấy rối tình dục”. Thậm chí hành vi quấy rối tình dục còn bị pháp luật bỏ qua bởi “chưa gây hậu quả nghiêm trọng”, chỉ được đánh giá một cách giản đơn là “thiếu văn hóa”,… và tìm cách lảng tránh nó. Chính vì chưa coi “quấy rối tình dục” là một hành vi phạm pháp, cho nên pháp luật Việt Nam còn chưa luật hóa và chưa chấp nhận các vụ kiện tụng liên quan đến quấy rối tình dục.


Pháp luật chưa đầy đủ để xử lý


BLHS Việt Nam tuy chưa có một định nghĩa cụ thể, một tội danh cụ thể nào về “quấy rối tình dục”, nhưng qua các biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục, ta cũng có thể đối chiếu, vận dụng các điều khoản tương tự trong BLHS để xử lý.


Hành vi quấy rối tình dục được hiểu là các hành vi không lành mạnh, bằng nhiều cách thức khác nhau tác động vào người khác để gây tổn hại về mặt tinh thần cũng như thể xác cho người bị tác động, nó cũng đồng nghĩa với hành vi “dâm ô” được quy định tại Điều 116 BLHS, “dâm ô” cũng được hiểu là dùng các hành động, cử chỉ, lời nói “đồi bại” để tác động vào “đối tượng” để đạt được “ham muốn” của mình.


Tuy nhiên, hành vi “dâm ô” tại Điều 116 BLHS này chỉ được quy định đối với trẻ em (tức là người dưới 16 tuổi), mà không quy định với người từ đủ 16 tuổi trở lên. Như vậy, khi “thầy giáo” có hành vi “gạ tình” với học sinh dưới 16 tuổi thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 116 BLHS.


Nhưng, nếu “quấy rối tình dục” với người từ 16 tuổi trở lên thì không bị xử lý, không bị gọi là “dâm ô”? Đây là một thực tế rất cần được xem xét lại, bởi nếu không có một tội danh cụ thể cho hành vi này sẽ rất khó xử lý một cách nghiêm minh.


Còn nếu thầy giáo “gạ tình” dẫn đến hành vi quan hệ tình dục miễn cưỡng đối với sinh viên, thì tất nhiên, pháp luật có thể xử lý theo Điều 113 BLHS tội “Cưỡng dâm”.


Nhưng nếu hành vi vi phạm xảy ra đối với các em từ 18 tuổi trở lên chỉ dừng lại ở việc “gạ tình”, quấy rối mà chưa có “quan hệ tình dục” xảy ra, thì hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào? Rõ ràng, pháp luật không có một điều luật nào quy định cụ thể về vấn đề này.


Cao Văn Tỉnh

congly.com.vn