Xem xét trách nhiệm hình sự để làm "án lệ" trường hợp gây lây lan dịch bệnh
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 17:10, 09/03/2020
Khai báo y tế không trung thực
Nhiều ngày nay, dư luận đang đặc biệt quan tâm đến trường hợp chị N.H.N, (26 tuổi, phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội), người trở về từ Anh, được xác định là bệnh nhân thứ 17 ở Việt Nam nhiễm Covid-19 và là trường hợp đầu tiên ở Hà Nội dương tính với virus.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết, chị N. sang Anh ngày 15/2, ở London đến 18/ 2 sau đó sang Ý (vùng Lombardy) để du lịch. Đây cũng là khu vực có nhiều bệnh nhân COVID-19 ở Ý, nhưng thời điểm chị N. có mặt thì dịch chưa bùng phát.
Rời Ý, chị N. đến Paris, Pháp và có gặp chị gái, hiện có thông tin chị gái của chị N. cũng nhiễm bệnh Covid-19.
Đến ngày 26/2, chị N. quay lại London, ngày 29/2 có biểu hiện ho nhưng không đi khám, đến 1/3 xuất hiện thêm triệu chứng đau mỏi người, không rõ sốt. Chị N. quay về Việt Nam trên chuyến bay của Vietnam Airlines, về nước ngày 2/3. Lúc này chị N. không sốt.
Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, chị N. đã được lái xe riêng của gia đình đưa về nhà riêng tại phố Trúc Bạch. Từ khi về nước, chị N. đã chủ động cách ly, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc và không ra khỏi nhà.
Một phần khu phố Trúc Bạch đang được cách ly
Trong ngày 2/3, bệnh nhân này có sốt nhẹ, ngày 5/3 sốt 38 độ, ho nhiều, có đờm, mệt mỏi, đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc ở số 55 phố Yên Ninh, Ba Đình và được chẩn đoán viêm phổi. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung để theo dõi điều trị. Bệnh nhân nhập viện lúc 18h ngày 5/3 và đã được bệnh viện làm xét nghiệm Covid-19, kết quả dương tính.
Trả lời báo chí, bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), cho biết bệnh nhân N.H.N. đã được yêu cầu khai báo y tế ngay khi xuống sân bay Nội Bài vào rạng sáng 2/3. Tuy nhiên, nữ hành khách đã khai báo không trung thực dẫn đến việc bỏ lọt một ca bệnh nguy hiểm. Sau đó, một số trường hợp có tiếp xúc với N.H.N cũng có kết dương tính với COVID-19.
Có thể xem xét trách nhiệm hình sự?
Nhìn nhận dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những quy định về việc phòng chống các dịch bệnh, cụ thể quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và được hướng dẫn bởi Nghị định 89/2018/NĐ-CP.
Áp dụng Điều 47 của Nghị định 89/2018/NĐ-CP, ngày 28/2/2020, Bộ Y tế đã gửi Công văn số 987/BYT-DP đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế thực hiện áp dụng tờ khai y tế đối với khách nhập cảnh Việt Nam trước diễn biến bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) diễn biến phức tạp.
Theo đó, các cá nhân nhập cảnh đều phải có trách nhiệm khai báo theo mẫu số 01 của Nghị định 89/2018/NĐ-CP. Do đó, việc khai báo đầy đủ các thông tin theo mẫu số 01 là việc bắt buộc đối với những người nhập cảnh. Việc trốn tránh khai báo hoặc khai báo không trung thực, không đầy đủ theo mẫu số 01 sẽ vi phạm vào Điều 8, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2008.
Một khu vực cách ly phòng dịch Covid 19
Nếu hành vi trốn tránh khai báo, khai báo không trung thực hoặc trốn cách ly bệnh Covid-19, nếu không gây hậu quả cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 10, điều 12 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức xử phạt cao nhất đến 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, nếu các hành vi trên dẫn tới hậu quả nghiêm trọng (làm lây lan truyền dịch cho nhiều người) sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 240, BLHS năm 2015 với mức phạt từ 01 đến 12 năm tù. Ngoài ra, còn bị phạt tiền với mức độ cao nhất đến 200.000.000 đồng.
“Đối chiếu với các quy định pháp luật và tình huống của ca nhiễm Covid-19 thứ 17, có thể thấy đã đến vùng có dịch và nhập cảnh về nước nhưng có hành vi cố ý không khai báo tình hình dịch bệnh của mình mặc dù đã nghi ngờ mình bị bệnh nên có đủ điều kiện để xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Tuấn nêu quan điểm.
Trao đổi với Báo Công lý, một chuyên gia Vụ Pháp chế và Quản lý Khoa học TANDTC cho biết: Bộ Y tế cũng đã bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đây là các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây lan rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao…
Vì vậy, các hành vi trốn khai báo làm lây truyền bệnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo điều 240 Bộ luật hình sự 2015.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng rất khó để xử lý hình sự vì chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền là TANDTC.
Tại khoản 1 Điều 240 tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người chỉ quy định hành vi, tức có hành vi là bị xử lý mà không cần hậu quả (cấu thành hình thức). Tại điểm c, khoản 1 quy định hành vi khác làm lây lan dịch bệnh cho người, nhưng chưa có hướng dẫn hành vi khác là hành vi nào để xử lý hình sự.
“Việc truy cứu trách nhiệm hình sự cần xem xét trên nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, nếu có hậu quả nghiêm trọng xảy ra thì cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể xem xét trách nhiệm hình sự để góp phần răn đe, đồng thời làm án lệ cho vụ việc sau này”, vị này nhấn mạnh.
Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. |