Người uống rượu bia dắt bộ xe máy qua chốt CSGT, ăn trái cây có nồng độ cồn có bị phạt?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 17:18, 04/01/2020
Ngày 01/01/2020, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, theo đó, mọi đối tượng khi sử dụng rượu, bia không được phép lái xe, kể cả xe đạp, nếu sử dụng sẽ bị phạt.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 – 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt qua 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/ 1lít khí thở.
Người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/ 1lít khí thở sẽ bị phạt từ 6 -8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 – 24 tháng đối với người điều khiển xe mô tô. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm như trên sẽ bị phạt từ 400 – 600 ngàn đồng.
Luật sư Đỗ Ngọc Hải, Công ty Luật TNHH Quốc tế Nam Thái, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, mang lại rất nhiều lợi ích, kịp thời, toàn diện,đủ sức răn đe và tính nhân văn cao.
Theo ông, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia ra đời được xem là biện pháp cấp thiết để góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, sẽ góp phần giảm phần lớn hậu quả xấu khi lái xe, khi tiệc tùng, khi làm việc trong công sở làm việc có hiệu quả, hiệu lực.
Nhiều người dân dắt bộ xe máy khi đi qua chốt CSGT. Ảnh minh họa
Sau khi luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, lực lượng CSGT cả nước đã đồng loạt ra quân triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Kết hợp với việc nhắc nhở, tuyên truyền các quy định mới, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiên quyết xử lý nhiều trường hợp vi phạm với mức phạt tiền tăng nhiều lần so với trước.
Tuy nhiên, đã có một số trường hợp người điều khiển xe máy uống rượu bia khi gặp CSGT đã xuống xe dắt bộ đi qua chốt của lực lượng chức năng. Đây có thể là một hình thức đối phó của người vi phạm đối với hoạt động thực thi pháp luật của CSGT.
Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 đã tăng mức xử phạt tiền các lỗi vi phạm lớn hơn nhiều so với Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, trong đó có cả xe mô tô, xe thô sơ.
Theo quy định của Luật giao thông đường bộ 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì chỉ có thể xử phạt người đang điều khiển phương tiện. Trong trường hợp này, họ đang dắt xe chứ không điều khiển xe tham gia giao thông.
“Để có thể xử phạt, CSGT phải chứng minh được lái xe vi phạm mà trước đó điều khiển xe. Nếu người vi phạm không thừa nhận thì CSGT có thể chứng minh bằng camera, hình ảnh, người làm chứng,…” luật sư Thơm nhấn mạnh
Giải đáp lo lắng của nhiều người dân về việc người điều khiển phương tiện sử dụng một số loại trái cây, thuốc ho cũng dẫn tới kết quả có nồng độ cồn trong hơi thở, luật sư Thơm khẳng định, không có căn cứ xử phạt. Bởi lẽ theo Luật phòng chống tác hại của rươu, bia có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020 đã quy định hành vi cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy nồng độ cồn bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP là người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia.
Ông Thơm cho rằng, trên thực tế có những trường hợp người điều khiển phương tiện ăn trái cây như (vải, sầu riêng,.) hoặc uống thuốc ho mà hơi thở có nồng độ cồn thì người vi phạm có thể được trình bày ý kiến. Tuy nhiên việc những sản phẩm trái cây hoặc thuốc ho có để lại nồng độ cồn trong cơ thể thường rất nhỏ.
Ngoài ra, CSGT khi xử phạt nồng độ cồn còn phải căn cứ vào các biểu hiện của người vi phạm như tình trạng tâm lý, diễn biến hành vi, lời nói, cử chỉ, sắc mặt và qua qua hơi thở khi nói chuyện để có căn cứ xử lý người vi phạm có sử dụng rượu, bia. Nếu trường hợp chưa rõ ràng qua hơi thở có nồng độ cồn thì có thể yêu cầu CSGT đưa đi xét nghiệm máu sẽ có kết quả chính xác. Việc ăn hoa quả hoặc uống thuốc ho nếu có nồng độ cồn qua hơi thở sẽ khác với việc uống rượu, bia lưu lại trong máu có nồng độ cồn.