Doanh nghiệp có vốn nhàn rỗi có được cho vay vốn không?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 14:38, 01/01/2020

Các doanh nghiệp được sử dụng vốn nhàn rỗi để cho doanh nghiệp khác vay, được phép lấy lãi theo quy định.

Hiện nay Công ty tôi đang có một khoản tiền nhàn rỗi và muốn cho Công ty khác vay và thu lãi đối với khoản vay này. Xin hỏi trong trường hợp này, doanh nghiệp có được cho doanh nghiệp khác vay vốn không? Điều kiện để được cho vay là gì? Xin chân thành cảm ơn!

 

Phùng Văn Trưởng (Hà Nội)

Trả lời:  Căn cứ trên nội dung câu hỏi mà bạn đã cung cấp và các quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin được đưa ra những nhận định sau đây: 

 

Thứ nhất, Chế định Hợp đồng vay tài sản trong Bộ Luật dân sự không quy định chủ thể bắt buộc là cá nhân hay tổ chức. Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Rõ ràng, việc hai doanh nghiệp đều là pháp nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự ký kết hợp đồng vay tài sản nói chung và vay tiền nói riêng là hoàn toàn hợp pháp. 

 

Thứ hai, Điểm b khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật thuế Giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng là các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán trong đó có: "Hoạt động cho vay riêng lẻ, không phải hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng.

 

Ví dụ 5: Công ty cổ phần VC có tiền nhàn rỗi tạm thời chưa phục vụ hoạt động kinh doanh, Công ty cổ phần VC ký hợp đồng cho Công ty T vay tiền trong thời hạn 6 tháng và được nhận khoản tiền lãi thì khoản tiền lãi Công ty cổ phần VC nhận được thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT".  Như vậy, các doanh nghiệp được sử dụng vốn nhàn rỗi để cho doanh nghiệp khác vay, được phép lấy lãi theo quy định.

 

Tuy nhiên, việc cho vay này cần phải đáp ứng một số quy định như sau:

 

- Vốn cho của doanh nghiệp cho vay phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp và đang nhàn rỗi.

 

- Hợp đồng vay, cho vay phải được Hội đồng thành viên (đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên), chủ sở hữu công ty (đối với Công ty TNHH 1 thành viên, doanh nghiệp tư nhân), Hội đồng quản trị (đối với Công ty cổ phần) quyết định thông qua.

 

- Không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau (theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP về Thanh toán bằng tiền mặt).

 

- Hạch toán và kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lợi nhuận là khoản lãi phát sinh từ hợp đồng cho vay (theo khoản 7 Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC).

 

Dễ thấy, việc doanh nghiệp cho doanh nghiệp vay vốn tạo ra nhiều thuận lợi cho chính bản thân các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cho vay có cơ hội sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của mình để thu lợi nhuận. Doanh nghiệp đi vay đáp ứng được nhu cầu vay vốn để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh và không phải thông qua nhiều thủ tục, được giải ngân nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp lạm dụng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, pháp luật sẽ sớm quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này. Do đó, các doanh nghiệp trước khi cho vay hoặc đi vay, để tránh gặp những vấn đề phát sinh làm phương hại đến lợi ích của doanh nghiệp, ngoài việc tuân thủ theo những quy định đã nêu trên thì còn cần phải lưu ý một số điểm sau:

 

- Vốn cho vay phải là vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cho vay.

 

- Tình hình tài chính của doanh nghiệp cho vay phải lành mạnh.

 

- Doanh nghiệp đi vay thực sự gặp khó khăn và cần vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

- Không được phép cho doanh nghiệp khác vay lại.

Ls Ngô Thủy, Phó trưởng VPLS Interla