Bố mẹ qua đời, phân chia di sản thừa kế như thế nào?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:56, 31/10/2019
Bố mẹ tôi có 6 người con, tôi là con út trong gia đình. Năm 1992 khi xã chia đất cho gia đình tôi, thì các anh chị đã ra ở riêng, duy nhất còn tôi ở với bố mẹ. Đến năm 2007 tôi xây dựng gia đình và sinh được 2 cháu, năm 2017 thì bố mẹ tôi qua đời. Lúc này gia đình tôi vẫn đang sống với bố mẹ tôi, hộ khẩu gia đình tôi cũng chỉ có tên bố mẹ và gia đình tôi (tổng 6 nhân khẩu). Vậy tôi muốn hỏi, khi bố mẹ tôi đã qua đời thì số đất trên được phân chia cụ thế như thế nào, tất cả số diện tích đất trên có phải chia đều cho 6 anh chị em không? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Độc giả Trần Duy Hải (haitd@hgs.vn)
Trả lời:Theo thông tin bạn cung cấp về thì năm 1992 gia đình bạn được xã giao đất và tại thời điểm đó anh chị bạn đã ra ở riêng. Theo quy tại Luật đất đai năm 1987 thì việc giao đất dựa trên cơ sở bình quân nhân khẩu ở mỗi xã. Như vậy tại thời điểm này, hộ gia đình bạn có bao nhiêu khẩu thì sẽ được chia bấy nhiêu đất.
Tuy nhiên, thông tin mà bạn cung cấp lại không nói rõ rằng tại thời điểm cấp đất thì các anh chị bạn đã tách khẩu hay chưa. Nên chúng tôi chia ra các trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Anh chị bạn đã tách khẩu thì mảnh đất trên được chia cho bạn và bố mẹ bạn. Trong trường hợp này, tài sản của bố mẹ bạn là 2/3 thửa đất trên.
Trường hợp 2: Anh chị bạn chưa tách khẩu thì mảnh đất trên được chia cho 8 người trong gia đình bạn. Trong trường hợp này, tài sản của bố mẹ bạn là 2/8 thửa đất trên.
Dù trong trường hợp nào thì khi bố mẹ bạn mất thì tài sản của bố mẹ bạn sẽ trở thành di sản thừa kế. Việc phân chia di sản thừa kế thì các đồng thừa kế có thể thỏa thuận việc phân chia di sản thừa kế trong trường hợp không thỏa thuận được thì có thể làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền yêu cầu chia di sản thừa kế.
Việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế căn cứ quy định tại Điều 656 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
“Điều 656. Họp mặt những người thừa kế
1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:
a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;
b) Cách thức phân chia di sản.
2. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.”
Trong trường hợp thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thì thỏa thuận này phải được lập văn bản và được công chứng. Việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia được quy định tại Điều 57 Luật công chứng năm 2014.
Tuy nhiên, theo thông tin bạn không nó rõ là trên mảnh đất này có tài sản trên đất hay không? nên chúng tôi tiếp tục chia ra các trường hợp cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Trên mảnh đất không có tài sản trên đất
Như đã phân tích ở trên tài sản của bố mẹ bạn sẽ trở thành di sản thừa kế và được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất là vợ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của những người chết (căn cứ tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015).
Trường hợp 2: Trên đất có tài sản trên đất. Trong trường hợp này vấn đề sẽ phức tạp hơn vì cần xác định rõ tài sản trên đất là của ai?
Một là: Tài sản trên đất là của bố mẹ bạn thì phần tài sản cũng sẽ là di sản thừa kế và được chia đều cho các đồng thừa kế.
Hai là: Tài sản trên đất là của bạn và bố mẹ bạn thì 2/3 tài sản trên đất này sẽ trở thành di sản thừa kế. Trong trường hợp này việc phân chi di sản thừa kế sẽ khó hơn đó là cần định giá giá trị mảnh đất cùng tài sản trên đất và chia di sản thừa kế theo từng kỷ phần của từng người. Và bạn nhận tài sản thừa kế sẽ có trách nhiệm thanh toán tiền cho các đồng thừa kế còn lại theo kỷ phần được nhận.
Ba là: Tài sản trên đất là của bạn thì việc chia di sản thừa kế của bố mẹ bạn (mảnh đất trên) thì cũng cần phải định giá giá trị mảnh đất và chia di sản thừa kế theo từng kỷ phần. Người nhận tài sản sản sẽ có trách nhiệm thanh toán tiền cho những đồng thừa kế còn lại.