Làm vỡ chiếc bình kỷ vật, bị yêu cầu bồi thường 200 triệu đồng phải làm thế nào?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 13:05, 21/07/2019
Thắng là hàng xóm nhà tôi, lợi dụng việc chồng tôi nhẹ dạ cả tin đã rủ chồng tôi uống rượu và xúi bẩy, đặt chuyện để chồng tôi đến gây sự với Hải. Trưa hôm đó, chồng tôi đã đến nhà Hải gây sự và làm vỡ chiếc bình của nhà Hải.
Hiện tại gia đình nhà Hải đến để bắt nhà tôi phải bồi thường số tiền là 200 triệu vì cái bình đó là kỉ vật mà ông nội của Hải để lại. Chiếc bình đó, ngoài chợ cũng bán rất nhiều với giá chưa đến 1 triệu, nhưng gia đình của Hải cho biết nó là kỉ vật mà ông nội Hải để lại nên phải bồi thường về tinh thần cho gia đình Hải, tất cả là 200 triệu đồng.
Vậy xin cho tôi hỏi: Hành vi của chồng tôi sẽ bị xử lý như thế nào? Gia đình tôi có phải bồi thường cho Hải không, mức bồi thường là bao nhiêu? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Nguyễn Văn Bảy (Hải Phòng)
Ảnh minh họa
Trả lời:
Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm cho tài sản bị mất giá trị sử dụng hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản. Tùy thuộc vào giá trị của tài sản và tính chất mức độ của hành vi mà người đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình quy định:
“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;….”
Bên cạnh đó, Căn cứ theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 thì:
“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;”
Như vậy, trong trường hợp chiếc bình đó có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc chiếc bình có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng hành vi của chồng bạn thực hiện thuộc một trong các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 178 BLHS nêu trên thì chồng bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh việc bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự do hành vi của mình gây ra thì chồng bạn còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm phạm đến tài sản của người khác, cụ thể như sau:
Căn cứ tại Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hai thì:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được xác định theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 là tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc hư hỏng:
Như vậy, trong trường hợp này, chồng bạn cố ý hủy hoại chiếc bình của Hải thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại kể cả khi tại thời điểm làm hư hỏng chiếc bình chồng vẫn đang say.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 đó là:
+ Bồi thường kịp thời và toàn bộ; hình thức bồi thường ở đây có thể bằng tiền hoặc bằng hiện vật.
+ Có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
+ Có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế
+ Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Trong trường hợp bồi thường bằng tiền trước tiên việc xác định mức bồi thường chiếc bình này sẽ do sự thỏa thuận các các bên. Trường hợp hai bên không thể thỏa thuận được sẽ yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp trên cơ sở kết quả của Hội đồng định giá tài sản.
Việc định giá trị của tài sản phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ định giá tài sản quy định tại Điều 15 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản, trình tự thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự và được hướng dẫn bởi Điều 3 thông tư 43/2018/TT-BTC đó là:
a) Giá thị trường của tài sản;
b) Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định;
c) Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp
d) Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có)
đ) Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.