Luật sư phân tích vụ đâm xe vào CGST tại Hải Phòng

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 11:15, 10/07/2019

Qua phân tích video, luật sư đánh giá người điều khiển xe không có ý thức, có tính chất tước đoạt tính mạng của người CSGT, nhưng hành vi trên cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Như đã đưa tin, ngày 9/7, đối tượng Đỗ Văn Thắng (16 tuổi, trú xã Thái Sơn, huyện An Lão, Hải Phòng) đi xe máy hiệu Aiblade màu đen, không đội mũ bảo hiểm, chạy với tốc độ cao lưu thông ở khu vực chợ Thái (Hải Phòng), đã tông thẳng vào Thượng úy CSGT Nguyễn Trọng Quý khiến anh Quý bị chấn thương sọ não, trật khớp khuỷu tay, chấn thương cổ tay, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Tiệp.

Phân tích về vụ việc này Luật sư Quách Thành Lực (Công ty Luật TNHH LSX, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Qua xem, phân tích video có thể nhận thấy người vi phạm giao thông dù biết trước tín hiệu dừng xe của CSGT nhưng đã không chấp hành. Người này có xu hướng tăng tốc độ, ép xe vào phía trong để nhanh chóng vượt qua CSGT với mục đích tránh bị xử lý hành vi vi phạm giao thông. Có thể đánh giá người điều khiển xe không có ý thức gây nguy hiểm cho tính mạng, tước đoạt tính mạng của người Cảnh sát.

ls

Luật sư Quách Thành Lực

Khi thực hiện hành vi đó, người điều khiển phương tiện nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của người CSGT, thấy trước được hậu quả đó, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

Trong vụ việc này, thời điểm ban đầu việc xác định hành vi người điều khiển phương tiện phạm tội tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là phù hợp. Người thực hiện hành vi lao xe vào Cảnh sát giao thông gây ra hậu quả thương tích có dấu hiệu của hành vi của tội giết người Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và có khả năng đối diện mức án  tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Hoặc hành vi tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác Điều 134: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng thì người lái xe khoảng 16 tuổi nên đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản1 điều 12 Bộ luật Hình sự: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo đó: Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội (Điều 91 Bộ luật Hình sự).

Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Cũng theo luật sư Lực, về quy trình dừng xe, xử lý vi phạm giao thông được quy định tại Thông tư 01/2016/TT-BCA, ngày 04 tháng 01 năm 2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ. Cụ thể Điều 12 quy định Các trường hợp được dừng phương tiện có nêu: 1. Việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu sau: a) An toàn, đúng quy định của pháp luật; b) Không làm cản trở đến hoạt động giao thông.

Dù có những điểm chưa thực sự phù hợp trong việc dừng xe của Cảnh sát trong tình huống này, tuy nhiên hành vi của người điều khiển xe cố tình trốn tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe người khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội, phải bị xử lý hình sự.

Trang Nhi