Nguyên Trưởng Công an TP Thanh Hóa đối diện với tội danh, khung hình phạt nào?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 13:35, 05/07/2019

Nhiều độc giả quan tâm tới vụ án nguyên Trưởng Công an TP Thanh Hóa bị tố cáo nhận tiền của thuộc cấp để "chạy án" đã bị tước quân tịch sẽ bị xem xét khởi tố về tội danh gì? Vì sao đến nay ông này chưa bị bắt tạm giam?

Như Báo Công lý đã thông tin, ông Nguyễn Chí Phương (Nguyên Đại tá, Trưởng Công an TP Thanh Hóa) bị tố cáo nhận 260 triệu đồng của thuộc cấp là anh Đỗ Đức H. (nguyên cán bộ thuộc Đội Cảnh sát trật tự, Công an TP.Thanh Hóa) để "chạy án" thoát tội “trộm cắp tài sản”.

Tuy nhiên, sau đó ông H. vẫn bị tước quân tịch, bị khởi tố về tội “trộm cắp tài sản” và lĩnh án treo. Ngày 29/11/2018, Thanh tra Bộ Công an đã công bố quyết định thanh tra để tiến hành xác minh vụ việc. Qua xác minh, hành vi nhận tiền từ anh Đỗ Đức H. của ông Nguyễn Chí Phương là có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ.

Nguyên Trưởng Công an TP Thanh Hóa đối diện với tội danh, khung hình phạt nào?

Nguyên Trưởng công an TP Thanh Hóa Nguyễn Chí Phương

Thanh tra Bộ Công an kiến nghị Bộ Công an thi hành kỷ luật với hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân đối với ông Nguyễn Chí Phương, đồng thời chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra xem xét trách nhiệm của 5 cán bộ, chiến sĩ khác của Công an TP Thanh Hóa có biểu hiện bao che tội phạm.

Theo luật sư Trịnh Thị Tuấn (Đoàn Luật sư Thanh Hóa): Hành vi của ông Phương sẽ bị cơ quan tố tụng xem xét xử lý về tội “Nhận hối lộ”. Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015, Tội nhận hối lộ quy định: 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Người phạm tội nhận hối lộ phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ. Chức vụ, quyền hạn của họ có liên quan trực tiếp đến việc làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Vì vậy, người phạm tội có việc lợi dụng chức vụ để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ thì mới bị coi là nhận hối lộ. Nếu hành vi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là nhận hối lộ.

Luật sư Tuấn phân tích: Ông Phương giữ chức vụ Trưởng Công an TP Thanh Hóa là người có thẩm quyền ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kết luận điều tra ... liên quan đến một vụ án hình sự. Cụ thể ở đây là vụ trộm cắp tài sản của anh H. (người tố cáo ông Phương). Vì vậy việc ông Phương nhận lợi ích từ anh H. và hứa giúp anh này để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án mà cơ quan công an nơi ông Phương là người đứng đầu đang giải quyết là nằm trong tầm tay. Hay nói cách khác, về chức vụ ông Phương có thể giúp được anh H. Ở đây không có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi của ông Phương cấu thành tội “nhận hối lộ”.

Theo nguồn tin từ cơ quan chức năng, ngay sau khi nhận được đơn thư tố cáo công dân về vụ việc xâm phạm hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã điều tra và xác định có dấu hiệu tội phạm. Ngày 25/1/2019, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Chí Phương về tội nhận hối lộ, quy định tại khoản 2 điều 354 bộ luật Hình sự.

Trước khi cơ quan chức năng tiến hành lệnh bắt tạm giam thì ông Phương đã nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Hợp Lực, TP Thanh Hóa do đột quỵ. Bác sĩ trực tiếp điều trị cho bị can Phương nhận định, ông này bị bệnh nặng nên cơ quan chức năng chưa thực hiện lệnh bắt để tạm giam. Cơ quan tố tụng đã thông báo đến Tỉnh ủy Thanh Hóa và nơi ông Phương sinh hoạt Đảng. Đồng thời tiến hành trưng cầu giám định sức khỏe bị can Nguyễn Chí Phương.

Nhiều nguồn tin cho rằng ông Nguyễn Chí Phương đã nhập viện điều trị bệnh tâm thần, cơ quan chức năng khẳng định là tin không chính xác.

Hiện vụ việc đang được điều tra, làm rõ.

Thanh Phương