Chém người vì vợ bị bôi nhọ, xúc phạm có bị xử lý hình sự?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 10:04, 30/04/2019

Nhiều bạn đọc gửi câu hỏi đến Báo Công lý về trường hợp nếu đối tượng cho vay lãi sử dụng hoặc đe dọa dùng thủ đoạn bôi nhọ danh dự, nhân phẩm nhằm thúc nợ thì có phải hành vi phạm pháp không, có thể xử lý như thế nào?

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Câu hỏi: Ngày 14/10/2013 mẹ tôi có vay tiền của một cá nhân là 600 triệu đồng có giấy tờ vay mượn, mỗi tháng mẹ tôi phải trả tiền lời là 60 triệu cho đến nay. Do sự cố ngoài ý muốn nên làm ăn thô lỗ, mẹ tôi không còn khả năng trả tiền lời và có thương lượng với chủ nợ là mỗi tháng cho bà trả tiền gốc là 20 triệu, khi thanh toán hết số nợ trên sẽ thanh toán lãi suất. Tuy nhiên, chủ nợ không chịu ngược lại họ còn dọa sẽ tố cáo mẹ tôi lừa dảo mang tiền đi giấu không muốn trả. Xin hỏi, do mẹ tôi bị cướp dọc đường với số tiền lớn và cũng đã thương lượng với chủ nợ là sẽ chịu tất cả và hoàn lại số tiền đã vay  thì có bị pháp luật xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tai sản không?.

Trả lời: Vấn đề trên được Luật sư Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội giải đáp như sau:

Việc vay tiền giữa mẹ bạn với bên cho vay thể hiện bằng giấy vay tiền là quan hệ dân sự quy định tại 463 (hợp đồng vay tài sản) Bộ luật dân sự năm 2015, nếu đến thời hạn trả nợ mà mẹ bạn không trả đầy đủ thì người cho vay có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật dân sự và tố tụng dân sự.

Trường hợp nếu mẹ bạn có ý thức chiếm đoạt tài sản của người vay bằng việc gian dối trong quá trình vay mượn tiền hoặc tuy lúc đầu chưa có ý thức chiếm đoạt tiền nhưng sau khi được cho vay thì cố tình không trả nợ, bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sư về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS.

Đối với sự việc mẹ bạn bị cướp thì bạn hướng dẫn mẹ bạn trình báo sự việc ra cơ quan công an nơi xảy ra sự việc để kịp thời xác minh, điều tra giải quyết theo trình tự thủ tục pháp luật quy định.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Tội cố ý gây thương tích

Câu hỏi: Vợ tôi bất ngờ nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ với nhiều nội dung rất khiếm nhã nhằm bôi xấu danh dự cô ấy. Do quá bức xúc nên tôi đã lấy số điện thoại người đó và nhắn tin yêu cầu không được xúc phạm vợ tôi nhưng người đó không chịu dừng lại và khiêu khích tôi. Vì vậy tôi đã hẹn người đó đến địa điểm nói chuyện, lúc đi tôi rủ thêm bạn đi cùng vì cũng muốn nếu khuyên bảo người đó không nghe thì sẽ đánh dằn mặt.

Chúng tôi có mang theo dao để trong cốp xe máy. Khi đến quán cà phê gặp người đó nói chuyện, hai bên xảy ra xô xát, tôi và bạn tôi đã không kìm chế được nên đã lấy dao trong cốp xe chém người đó mấy nhát trúng tay và bả vai. Sau đó sự việc được nhiều người can ngăn và đưa người đó đi cấp cứu tại bệnh viện. Hiện nay công an đang triệu tập chúng tôi lên để điều tra làm rõ vụ việc đánh nhau nên tôi rất hoang mang, rất mong được tư vấn giúp đỡ.

Trả lời: Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tư vấn như sau:

Sự việc xảy ra có phần lỗi thuộc về người bị hại tuy nhiên việc bạn rủ người khác đến gặp người bị hại để nói chuyện nhưng mang theo dao, với ý định nếu không tìm được hướng giải quyết tình cảm thì có thể đánh gây thương tích thì đã thể hiện sự ý thức phạm tội của các bạn. Căn cứ nội dung bạn trình bày việc thì việc gây thương tích cho bị hại bằng dao là hung khí nguy hiểm để gây thương tích và có chém người bị hại mấy nhát. Tuy kết quả giám định tỷ lệ thương tật của bị hại chưa có nhưng với tính chất, mức độ hành vi đó theo tôi có dấu hiệu tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự.

 Cụ thể: Theo Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%.

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”.

T. Nhi