Cần tăng chế tài xử lý chủ xe gây tai nạn
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 08:14, 10/01/2019
Luật đã có nhưng khó xử lý
Liên quan đến vụ lái xe Phạm Thành Hiếu điều khiển xe container gây tai nạn thảm khốc khiến 4 người chết và 18 người bị thương vào chiều 2-1, Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố đối với lái xe này về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 BLHS 2015) với mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù.
Về một số vụ việc lái xe container gây tai nạn thảm khốc, thực tế có nhiều lái xe không muốn chạy quá tải với cường độ làm việc liên tục trong nhiều ngày song do bị chủ xe ép chạy quá tải nên đã xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp chủ xe dù biết lái xe nghiện ma túy nhưng vẫn giao xe. Như vậy, trách nghiệm của chủ xe được xác định ra sao, ngoài trách nhiệm bồi thường, họ có phải liên đới chịu trách nhiệm hình sự hay không?.
Trên thực tế, quy định xử lý hình sự chủ phương tiện vận tải biết lái xe sử dụng ma túy nhưng vẫn điều động họ điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đã được quy định rõ trong BLHS 2015. Cụ thể, Điều 263 về Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định, người có thẩm quyền mà biết rõ người không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện, người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà vẫn điều động người đó điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm.
Tuy nhiên, việc xử lý chủ phương tiện về tội danh này không đơn giản. Bởi luật quy định chủ phương tiện phải biết rõ lái xe sử dụng chất ma túy nhưng vẫn điều động lái xe thì mới phạm tội, trong khi việc xác định họ có “biết rõ” hay không rất khó khăn.
Ngoài ra, BLHS 2015 cũng có các quy định để xử lý chủ phương tiện như: Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông (Điều 262); Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 264).
Hiện trường vụ tai nạn tại Long An
Về trách nhiệm dân sự, theo Điều 601 BLDS 2015, trong trường hợp lái xe gây tai nạn, chủ xe phải bồi thường thiệt hại do xe mình gây ra. Trường hợp chủ xe đã giao cho người khác (lái xe) chiếm hữu, sử dụng thì người này (lái xe) phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu chủ xe có lỗi trong việc để xe của mình bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trách nhiệm của doanh nghiệp
Hiện nay, tình trạng lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích tràn lan, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Mặc dù đã có các quy định bắt buộc tài xế khám sức khỏe định kỳ; đi học để cấp chứng chỉ về kỹ năng lái xe, đạo đức, chấp hành pháp luật; giới hạn thời gian được phép lái xe trong ngày thông qua “hộp đen” giám sát hành trình... nhưng hầu hết tài xế, chủ doanh nghiệp đều phớt lờ quy định này.
Bên cạnh đó, vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã ép tài xế chở quá tải. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn giao thông vừa qua, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) khẳng định, xe container gây tai nạn ở Long An đã chở gạo quá tải. Doanh nghiệp xe container gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này có “truyền thống” chở quá tải.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình cho rằng, vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng như vậy phải khởi tố không chỉ với lái xe, mà còn có cả trách nhiệm của chủ xe. Nếu đủ yếu tố hình sự, cần phải khởi tố theo đúng quy định pháp luật. Bởi vì, chủ xe đã đưa phương tiện cho người sử dụng ma túy điều khiển. Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, xe chở container đâm hàng loạt xe máy làm 4 người chết ở Long An có cả nguyên nhân quản lý nhà nước. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT xem xét lại việc quản lý thời gian làm việc của lái xe, xây dựng trạm dừng nghỉ trên đường để lái xe nghỉ ngơi. Đồng thời xử lý nghiêm doanh nghiệp ép lái xe làm việc quá giờ.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian tới, sẽ phải siết lại hoạt động thanh, kiểm tra lái xe sử dụng rượu bia, ma túy và quản chặt về thời gian lái xe tối đa (không quá 4 tiếng liên tục). Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải siết chặt việc học, thi cử và cấp bằng lái, kể cả xe con và xe tải, đặc biệt với loại xe container; từ khâu học, giảng viên dạy cho tới thực hành, nhất là trên sa hình sẽ có nhiều thay đổi.
Ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô - nhấn mạnh lâu nay khi có tai nạn nghiêm trọng mới trị tài xế, thành ra chưa giải quyết được vấn đề tận gốc. Ông Thanh đồng tình cần xử lý chủ doanh nghiệp khi tài xế của họ gây tai nạn, có sử dụng rượu bia, ma túy trước khi lái xe. Bởi ông chủ tuyển dụng lái xe, không thể ép tài xế làm việc quá giờ, phải khám sức khỏe tài xế theo định kỳ... Hiện mới có các quy định xử phạt hành chính chủ doanh nghiệp khi tài xế để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, nhưng cần thiết phải truy tố hình sự chủ doanh nghiệp liên đới chứ không để thành lập doanh nghiệp, tùy ý tuyển dụng lái xe rồi khoán trắng cho tài xế. Trong khi đó, công an không có quyền dừng xe kiểm tra tài xế dùng ma túy hay không vì vấn đề này liên quan đến danh dự con người.
Theo Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, lái xe container không chỉ uống rượu, bia mà còn có chất ma túy, điều này rất nguy hiểm. Đại diện Bộ Công an đề nghị nghiên cứu, tách Luật Giao thông đường bộ làm hai luật: Luật Giao thông vận tải đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông.
Năm 2018, toàn quốc xảy ra trên 18.730 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ giảm 6,71%, số người chết giảm 0,4 % và số người bị thương giảm 13,1%. Mục tiêu năm 2019 được đặt ra là giảm tai nạn giao thông từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2018. |