Vụ tự xưng Công an còng tay người dân: Có dấu hiệu tội bắt, giữ người trái pháp luật

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:16, 24/05/2018

Công an huyện Quốc Oai khẳng định nhóm người tham gia còng tay người dân trên địa bàn thôn Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai không phải là cán bộ Công an. Vậy hành vi của nhóm thanh niên này sẽ bị xử lý như thế nào?

Như Báo Công lý đã thông tin, sáng ngày 21/5 tại thôn Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội xảy ra vụ việc một nhóm thanh niên giả danh Công an bắt giữ một người đàn ông khiến người dân địa phương xôn xao.

Vụ tự xưng Công an còng tay người dân: Có dấu hiệu tội bắt, giữ người trái pháp luật

Nhóm thanh niên còng tay một người đàn ông yêu cầu lên xe ô tô. Ảnh cắt từ clip

Đáng nói, nhóm người này có hành động khống chế, chích điện vào một người đàn ông rồi dùng còng số 8 khóa tay, yêu cầu người đàn ông này lên xe ô tô. Thấy hành vi bất thường của nhóm người tự xưng là Công an, người dân địa phương đã yêu cầu nhóm người này xuất trình thẻ ngành và mời Công an huyện đến làm việc. Tuy nhiên, nhóm thanh niên này đã nhanh chóng lên xe bỏ đi. Phát hiện có biểu hiện khả nghi, người dân đã giữ được một thanh niên trong nhóm trên.

Toàn bộ diễn biến vụ việc cũng được người dân dùng điện thoại quay lại và cung cấp cho Công an huyện Quốc Oai.

Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Công an huyện Quốc Oai khẳng định, nhóm người tham gia còng tay người dân trên địa bàn thôn Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai không phải là cán bộ Công an và đang khẩn trương điều tra làm rõ.

Liên quan đến vụ việc trên, PV Báo Công lý đã trao đổi với luật sư Trương Anh Tú- Chủ tịch Công ty Luật Trương Anh Tú để có cái nhìn sự việc dưới góc độ pháp luật.

Vụ tự xưng Công an còng tay người dân: Có dấu hiệu tội bắt, giữ người trái pháp luật

Luật sư Trương Anh Tú

PV: Qua theo dõi clip và nội dung vụ việc trên, Luật sư có đánh giá như thế nào về hành vi của nhóm thanh niên sử dụng còng số 8 để còng tay người dân?

Luật sư Trương Anh Tú: Theo dõi thông tin về vụ việc trên các phương tiện thông tin đại chúng và cũng được xem video do người dân đăng tải trên mạng xã hội, tôi đánh giá đây là một vụ việc hết sức nghiêm trọng. Các đối tượng thực hiện hành vi bắt người trái pháp luật một cách hết sức manh động và có tổ chức. Ngoài dùng thủ đoạn mạo nhận là Công an nhằm tránh sự can thiệp của người dân, những đối tượng này còn sử dụng trái phép những công cụ hỗ trợ như còng số 8, dùi cui điện nhằm phục vụ cho việc bắt người. Hơn nữa, hành vi bắt người trái pháp luật còn được thực hiện ngay giữa chốn đông người, điều đó thể hiện sự manh động, coi thường pháp luật cao độ của những đối tượng này.

PV: Vậy hành vi của những đối tượng này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Luật sư Trương Anh Tú: Hành vi nêu trên của những đối tượng bắt người trái pháp luật xâm phạm tới cả hai khách thể được luật hình sự bảo vệ đó là quyền tư tự do và quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của công dân. Hành vi của các đối tượng này đã có dấu hiệu của “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” được quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015.

Do khi thực hiện việc bắt người trái pháp luật, những đối tượng này đã có hành vi xâm hại tới sức khỏe của nạn nhân (đánh, trích điện vào người nạn nhân), do vậy để xác định đúng tội danh, cần phải đưa người bị hai đi giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể. Nếu giám định pháp y mà mà cho kết quả người bị hại bị tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì ngoài tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 157 là tình tiết “Có tổ chức” thì những đối tượng bắt người trái pháp luật còn phải chịu thêm tình tiết định khung tăng năng theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 157 BLHS đó là “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Nếu bị truy tố ở khoản 2 Điều 157 thì những đối tượng này sẽ phải đối diện với khung hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù.

Trong trường hợp nếu tỷ lệ thương cơ thể của người bị hại được kết luận là từ 61% trở lên thì những đối tượng bắt giữ người trái pháp luật phải chị trách nhiệm hình sự về tội bắt người trái pháp luật được quy định tại khoản 3 Điều 157 BLHS với khung hình phạt  từ 05 năm tù đến 12 năm tù.

PV:  Ngoài trách nhiệm hình sự thì các đối tượng này còn phải chịu trách nhiệm gì nữa không thưa luật sư?

Luật sư Trương Anh Tú: Nếu qua giám định pháp y, người bị hại nếu bị tổn thương cơ thể thì các đối tượng này còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do đã xâm hại tới sức khỏe của người bị hại. Trách nhiệm này được quy định tại Điều 590 của Bộ luật Dân sự hiện hành.

Ngoài ra, do các đối tượng này đã sử dụng những công cụ hỗ trợ trái pháp luật nên cần phải xử phạt hành chính về hành vi này. Hành vi sử dụng trái phép công cụ, dụng cụ hỗ trợ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013  của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự; an toàn xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng chống bạo lực gia đình.

Để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội thì cần phải xử lý nghiêm khắc với những đối tượng coi thường pháp luật, bắt người trái pháp luật.

PV: Xin cảm ơn luật sư!

Việt Đỗ