Cơ quan thuế khởi tố vụ án như Công an: Chuyên gia lên tiếng
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 07:03, 27/03/2018
Vừa qua, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật quản lý Thuế, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự cho phép cơ quan thuế thực hiện chức năng điều tra thuế, trong đó có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Cụ thể khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật về tổ chức điều tra hình sự.
Lý do được Bộ Tài chính đưa ra là, ở nước ta, cơ quan thuế do chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án. Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ xử lý được còn thấp do hành vi vi phạm pháp luật về thuế phức tạp đa dạng, diễn ra trên phạm vi rộng, có liên quan đến chứng từ, sổ sách, kế toán, thanh toán…
Đề xuất bổ sung quyền về điều tra, khởi tố cho ngành Thuế trong Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã dấy lên lo ngại về tình trạng chồng chéo, lạm quyền và lẫn lộn giữa hoạt động của cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp của cơ quan thuế với các cơ quan khác…Phóng viên Báo Công lý đã ghi nhận các ý kiến chuyên gia về vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Tuấn Hiệp, Công ty Luật Đại Phúc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Xung đột với các cơ quan điều tra chuyên trách
Luật sư Nguyễn Tuấn Hiệp
Tại các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương đều phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp. Nhà nước thống nhất có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện các quyền điều tra, khởi tố. Xác định rõ nhiệm vụ của cơ quan điều tra trong mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước khác được giao một số hoạt động điều tra theo hướng cơ quan điều tra chuyên trách điều tra tất cả các vụ án hình sự.
Các cơ quan khác chỉ tiến hành, phối hợp một số hoạt động điều tra sơ bộ và tiến hành một số biện pháp điều tra theo yêu cầu của cơ quan điều tra chuyên trách. Do đó, việc Bộ tài chính đề xuất bổ sung dự thảo quyền về điều tra, khởi tố cho ngành Thuế trong Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là cần phải xem xét kỹ lưỡng, không thể trao quyền độc lập cho cơ quan thuế trong hoạt động tố tụng bởi sẽ dẫn đến những bất cập, chồng chéo, xung đột với các cơ quan điều tra chuyên trách. Bên cạnh đó, tại các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đều thống nhất, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tổ chức cơ quan điều tra theo hướng thu gọn về một đầu mối, thực hiện theo chủ trương, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương.
Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng VPLS Interla, Đoàn luật sư TP Hà Nội: Đề xuất có tính sáng tạo
Luật sư Trương Quốc Hòe
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và Khoản 1 Điều 35 BLTTHS 2015 thì các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm các cơ quan của bộ đội biên phòng; các cơ quan của hải quan; các cơ quan của Kiểm lâm; các cơ quan của Lực lượng cảnh sát biển; các cơ quan của kiểm ngư; các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ; các cơ quan khác trong quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ.
Theo điều 153 BLTTHS 2015 thì thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự thuộc về cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát, Hội đồng xét xử.
Hiện nay, thực trạng các hành vi trốn thuế, gian lận thuế của các cá nhân, tổ chức tại nước ta ngày càng tinh vi, phức tạp, khiến cho Cơ quan Thuế và Bộ Tài Chính khó có thể kiểm soát và điều tra để ngăn chặn kịp thời. Cụ thể như theo Luật Quản lý thuế hiện hành, thời hạn thanh tra bị giới hạn trong phạm vi 45 ngày nên khi phát sinh những hành vi trốn thuế phức tạp, cần thời gian điều tra lâu dài thì cơ quan thuế gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với hành vi vi phạm pháp luật thuế có thể bị xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự nên việc để một cơ quan có chuyên môn như cơ quan thuế phụ trách điều tra hành vi trốn thuế cũng là một đề xuất có tính sáng tạo, tạo ra công cụ nhằm tăng cường giải pháp chống trốn thuế, gian lận thuế để việc quản lý thuế được tốt hơn. Khi bổ sung chức năng này có thể giúp cho quá trình điều tra, xử lý, khởi tố vụ án được tăng lên và tính chất răn đe đối với tội phạm thuế được nâng cao.
Ths, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Phải cân nhắc sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật
Ths, Luật sư Đặng Văn Cường
Cùng với sự phát triển của xã hội thì những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế cũng có xu hướng gia tăng, điều này đòi hỏi phải tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thuế. Ở một số nước phát triển họ có cảnh sát thuế, lực lượng này có thể tiến hành khởi tố điều tra những vụ án liên quan đến lĩnh vực thuế...
Ý tưởng thành lập một bộ phận thực hiện việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực thuế là xuất phát từ thực tiễn và học hỏi một số nước trên thế giới nhầm tăng cường thẩm quyền, quyền hạn cho cơ quan thuế, đồng thời tăng cường tính răn đe và tiện dụng trong việc xử lý các trường hợp vi phạm đối với lĩnh vực thuế, phí lệ phí. Tuy nhiên, nếu tăng cường thẩm quyền khởi tố, điều tra cho cơ quan thuế thì phải tính tới chất lượng nhân sự, phải tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo những cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ điều tra, am hiểu luật hình sự và tố tụng hình sự để có thể áp dụng trên thực tế. Ngoài ra, cần phải có cơ chế quản lý, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để thực hiện nhiệm vụ mới này. Ngoài ra cần phải sửa đổi rất nhiều văn bản pháp luật cho phù hợp, đồng bộ với chức năng nhiệm vụ mới của bộ phận điều tra trong lĩnh vực này.
Vì vậy, trong trường hợp cần thiết phải thành lập lực lượng điều tra riêng của lĩnh vực thuế thì phải cân nhắc tới sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh việc chồng chéo hoặc thoái thác giữa các cơ quan hữu quan; cũng tránh việc phình to bộ máy hành chính nhưng thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu hiệu quả và không có tính khả thi.
Nếu không thành lập lực lượng điều tra riêng biệt của cơ quan thuế thì vẫn có thể sử dụng hoặc tăng cường lực lượng điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra của công an hoặc cơ quan điều tra của quân đội để đấu tranh với loại tội phạm này. Trong trường hợp thành lập bộ phận điều tra riêng biệt trong lĩnh vực thuế thì vẫn có thể cơ quan Cảnh sát điều tra hoặc cơ quan điều tra của quân đội quản lý, đào tạo, sử dụng để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả.
Luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng VPLS Đặng Sơn và Cộng sự, Đoàn LSTP Hà Nội: Dễ lạm quyền
Luật sư Đặng Văn Sơn
Nếu dự thảo trên được thông qua thì Cơ quan thuế được bổ sung thêm vào các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, khởi tố liên quan đến lĩnh vực chuyên trách của mình.
Tuy nhiên, việc thêm chức năng trên cũng dễ dẫn đến tình trạng lẫn lộn giữa hoạt động của cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp của cơ quan thuế với các cơ quan khác. Theo quy định hiện hành, hoạt động điều tra, gồm cả điều tra hành vi gian lận, trốn thuế nằm trong phạm vi, chức năng của cơ quan tố tụng trong lĩnh vực tư pháp (như cơ quan điều tra, viện kiểm sát). Như vậy, nếu bổ sung chức năng điều tra thuế cho cơ quan thuế thì đồng nghĩa với việc cơ quan hành pháp sẽ kiêm nhiệm chức năng tư pháp.
Ngoài ra, việc thêm chức năng điều tra, khởi tố cho cơ quan chuyên trách về thuế có thể gây xung đột thẩm quyền với các cơ quan điều tra tư pháp khác. Một cơ quan Nhà nước vừa có chức năng hành pháp vừa có chức năng tư pháp dễ dẫn tới lạm quyền, khó bảo đảm nguyên tắc nhất quán trong việc thực hiện các quyền lực Nhà nước. Theo đó, phải có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp như quy định tại khoản 3, điều 2, Hiến pháp 2013. Mặt khác, điều này hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng cán bộ sẽ lợi dụng quyền hạn để đe dọa người nộp thuế, áp đặt những xử lý có lợi cho cơ quan thuế và có hại cho người nộp thuế mà họ không dám phản đối.
Để cơ quan thuế thực hiện được chức năng điều tra thì việc bổ sung thêm nhân lực cho lĩnh vực này là điều tất yếu và phải sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để tương thích với vấn đề phát sinh có liên quan trong quá trình điều tra, truy tố đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trốn thuế, gian lận thuế.
Việc trao thêm quyền cho cơ quan thuế còn vô hình tạo ra một sức ép đối với người nộp thuế và môi trường thực thi các chính sách thuế. Nếu bổ sung thêm chức năng điều tra thuế, thì cùng 1 cơ quan, cùng 1 bộ máy vừa thực hiện thu thuế, vừa thực hiện thanh tra rồi lại thực hiện hoạt động điều tra thuế làm giảm tính khách quan của hoạt động điều tra tố tụng, giảm tính minh bạch của hoạt động quản lý thuế.