Xoay quanh việc cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Cơ quan Công an phải khẩn trương vào cuộc
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 11:17, 10/03/2018
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, sự việc này rất nghiêm trọng, phản ánh sự xuống cấp nghiêm trọng nhiều mặt trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, vụ việc có dấu hiệu hình sự hay không thì cơ quan Công an cần phải khẩn trương vào cuộc để xem xét vụ việc một cách toàn diện, thấu tình đạt lý.
Thừa nhận sai, cô giáo quỳ trước mặt phụ huynh
Vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (Long An) ngày 28/2 khiến nhiều học sinh và giáo viên trong nhà trường sửng sốt.
Theo tường trình của hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh), có 4 phụ huynh phản ảnh cô giáo chủ nhiệm lớp 4 tại trường có phạt học sinh quỳ gối trên ghế nhiều lần, có dùng thước đánh tay, dùng từ ngữ chưa phù hợp với học sinh. Hiệu trưởng và cô giáo đều nhận khuyết điểm, hứa sẽ rút kinh nghiệm. Tuy nhiên phụ huynh Võ Hòa Thuận (Luật sư tập sự tại một văn phòng ở TP.HCM) lại không chấp nhận.
Phụ huynh đòi đổi cô giáo, đòi chuyển con sang lớp khác nhưng hiệu trưởng không đồng ý. Sau đó, phụ huynh yêu cầu cô giáo quỳ xin lỗi mới bỏ qua. Trước sức ép từ phía phụ huynh, đồng thời nhận thấy bản thân mình sai trước, nên cô giáo quỳ trước mặt ông Thuận trong thời gian 40 phút.
Trường tiểu học Bình Chánh
Trao đổi với phóng viên về tính chất vụ việc trên, luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng VPLS Interla) bày tỏ, nếu đặt cương vị là phụ huynh học sinh, khi tiếp nhận thông tin từ con mình về hành động, việc làm sai trái của giáo viên như bắt quỳ hay có lời lẽ xúc phạm, miệt thị thì phụ huynh cũng cần bình tĩnh giải quyết. Không nên có hành vi vượt quá làm ảnh hưởng tới cô giáo. Tuy nhiên, việc làm của các phụ huynh khi bắt cô giáo phải quỳ cũng có thể có dấu hiệu của hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (giám đốc Công ty Luật Đại Nam) cho biết, nếu có việc bắt cô giáo phải quỳ thì đã có đầy đủ yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác, đặc biệt nạn nhân là cô giáo, một vị trí được xã hội kính trọng nên việc xử lý hình sự thật nghiêm là việc rất cần thiết.
Theo luật sư Tuấn, Người Thầy từ trước đến nay luôn được mọi người đặt ở vị trí kính trọng nhất và điều đó đã mặc nhiên được mọi người thừa nhận như một giáo lý, một thước đo về đạo đức của chính bản thân mình. Bởi vậy, có câu tôn Sư trọng Đạo hay nói cách khác người có Đạo là người biết tôn Sư. Mặt khác, trong quan niệm của mọi người, người Thầy luôn có tư cách, phẩm chất cao. Hình ảnh cô giáo quỳ vì bất kỳ lý do gì là điều không thể chấp nhận được đối với tất cả chúng ta.
“Việc cô giáo bắt học sinh quỳ là hình thức xử phạt do cô áp đặt với học sinh, việc này vi phạm quy tắc nghề nghiệp nhưng mục đích của cô chỉ là để rèn dũa học sinh và hậu quả của việc đó không lớn, do đó không thể xem xét xử lý hình sự với cô giáo của học sinh”, luật sư Tuấn nêu quan điểm
Cơ quan Công an phải khẩn trương vào cuộc
Qua theo dõi tình tiết vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ, thực tế chúng ta thấy các học sinh vẫn bị xử phạt quỳ, điều này không những ngành giáo dục nghiêm cấm và Pháp luật cũng không cho phép.
Bên cạnh đó, các phụ huynh phản ánh, việc cô giáo phạt học sinh quỳ gối nhiều lần, có lần 10 phút, có lần cả tiết học; cô dùng thước đánh vào tay học sinh; gọi học sinh là thằng. Đây là nguyên nhân gây bức xúc khiến nhóm phụ huynh kéo đến trường, bắt cô giáo quỳ nhận lỗi như cô đã ép các em học sinh làm. Bởi vậy, nếu việc phụ huynh bắt ép cô giáo quỳ tại trường bị xử lý theo quy định của pháp luật thì cũng phải xem xét hành vi của giáo viên đã xử phạt học sinh vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ gối.
Ông Thơm cho rằng, theo quy định pháp luật, hành vi bắt học sinh quỳ gối đã xâm hại đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Đó là phương pháp trái quy tắc, đạo đức nghề nhà giáo. Cụ thể, Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.”
Nhìn nhận một cách toàn diện, luật sư Ngô Ngọc Anh, Đoàn LS Hà Nội cho rằng việc cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh là sự việc nghiêm trọng, khiến tất cả dư luận bức xúc. Do đó, Cơ quan Công an phải khẩn trương vào cuộc điều tra xác minh, xem áp lực gì khiến cô giáo phải quỳ là cái gì vì mối liên hệ giữa phụ huynh với giáo viên không phải là liên hệ lệ thuộc cấp trên cấp dưới.
Luật sư Ngô Ngọc Anh nhấn mạnh: “Cần phải làm rõ có hay không việc phụ huynh có “bắt” không và “bắt” bằng cách gì để đủ gây áp lực khiến cô giáo phải quỳ. Từ đó, mới có căn cứ để xử lý hình sự”.
Bộ GDĐT nói gì về vụ cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, ngay sau khi có thông tin, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục liên hệ trực tiếp với cơ sở để xác minh rõ thông tin và báo cáo nhanh về Bộ để từ đó có phương án xử lý kịp thời. Bộ GDĐT cũng nói rõ tinh thần giải quyết vụ việc là đúng người, đúng việc, vừa đảm bảo thực hiện đúng các quy định vừa có phương án bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà giáo nếu có hình thức đối xử với các thầy cô không đúng theo quy định pháp luật, làm tổn hại đến danh dự, thanh danh nhà giáo. “Chúng tôi đã yêu cầu Sở GDĐT Long An xác minh sự việc. Về nguyên tắc, nếu giáo viên sai so với quy định hiện hành thì phải nhận trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, bất kể hình thức làm nhục, xúc phạm danh dự, ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp của người giáo viên, vi phạm nhân quyền thì cần phải lên án, thậm chí có hình thức xử lý nếu như vi phạm pháp luật” - ông Minh nói. Ông Minh cũng cho biết thêm, sau khi có thông tin chính thức từ Sở GDĐT, Cục Nhà giáo sẽ có văn bản nhắc nhở đội ngũ giáo viên nghiêm túc thực hiện đúng theo các quy định; đồng thời đề nghị cơ quan chức năng có phương án xử lý những trường hợp xúc phạm nhà giáo. |