Tài xế taxi treo băng rôn phản đối Grab, Uber có vi phạm luật?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 19:05, 05/10/2017
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều hãng taxi nổi tiếng như Mai Linh, Vina, Mỹ Đình, Sao Thủ Đô, Hoàn Kiếm dán băng rôn để phản đối Quyết định 24 của Bộ GTVT.
Cụ thể các băng rôn được dán ở đuôi xe có nội dung: “50.000 xe thí điểm theo QĐ 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỷ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ?” hoặc “Chúng tôi phản đối kế hoạch thí điểm Quyết định 24 của Bộ GTVT có nhiều sai phạm. Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch...”
Nhiều hãng taxi dán băng rôn ở đuôi xe phản đối Grab, Uber
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh - Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, các xe taxi truyền thống có quyền bày tỏ quan điểm phản đối với taxi công nghệ như Uber, Grab nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật. Về nguyên tắc công dân được làm những gì pháp luật không cấm.
Theo quan điểm của luật sư Thơm, hiện nay, Nhà nước ta đang phát triển kinh tế thị trường với sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Các thành phần kinh tế được Nhà nước ta bảo hộ và đối xử bình đẳng dựa trên các qui định của pháp luật. Loại hình doanh nghiệp kinh doanh taxi công nghệ Grab, Uber đã hoạt động ở Việt Nam những năm gần đây và được người tiêu dùng đón nhận. Uber và Grab đang là loại hình kinh tế sẻ chia, là xu hướng của thế giới công nghệ, xã hội số hóa mà Việt Nam đang hướng tới.
“Chúng ta đã hội nhập vào sân chơi chung thì phải chấp nhận sự bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh. Đó chính là động lực phát triển kinh tế xã hội. Những loại hình kinh doanh kém hiệu quả sẽ phải tự đổi mới nếu không sẽ tự đào thải và không theo kịp xu hướng chung của sự phát triển xã hội con người”, ông Thơm nói.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, một số hãng taxi truyền thống cho rằng có sự thất thu thuế từ loại hình kinh doanh này thì cần phải xem xét xem việc này đã có kết luận chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay chưa. Nếu việc bày tỏ phản đối bằng hình thức căng băng rôn và lan truyền những thông tin như vậy mà không có căn cứ, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức liên quan thì còn có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật cạnh tranh đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 03/12/2004.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Ngoài ra, nếu một số hãng taxi truyền thống cố tình đưa thông tin sai sự thật qua các băng rôn về việc Uber, Grab có sự thất thu thuế hay trốn thuế nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh thì hành vi này vi phạm Điều 43 Luật cạnh trạnh “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.
Căn cứ vào tính chất mức độ vi phạm sẽ có thể bị xử lý theo Điều 177 Luật cạnh tranh về các hình thức xử phạt vi phạm pháp luật về cạnh tranh và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Cụ thể, đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: Cảnh cáo; Phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh….
Trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó báo cáo hàng loạt sai phạm của chương trình thí điểm Quyết định 24 của Bộ GTVT.
Theo Hiệp hội, trong quá trình thực hiện kế hoạch thí điểm đã bộc lộ nhiều sai phạm và gây ra hệ luỵ bất ổn cho xã hội.
Cụ thể, Bộ GTVT cố tình không giới hạn số lượng phương tiện tham gia thí điểm mặc dù UBND thành phố Hà Nội và UBND TP.HCM kiên quyết phản đối. Ngoài ra, Bộ GTVT sai phạm trong việc không quản lý logo nhận diện của phương tiện tham gia thí điểm, vì đã giao cho các công ty sở hữu phần mềm như Uber, Grab tự tạo và cấp phát logo cho phương tiện.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp Kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào ngày 3/10, nói về kiến nghị dừng thí điểm Uber, Grab của Hiệp hội taxi Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết theo phân cấp thì UBND sẽ chịu trách nhiệm phát triển, tổ chức quản lý giao thông, trong đó có quản lý về quy hoạch phát triển hạ tầng, lưu lượng xe. Do đó, quyết định dừng hay tiếp tục thí điểm Uber, Grab sẽ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành.
“Trên cơ sở nhu cầu, hạ tầng hiện hữu của địa phương, UBND các tỉnh, thành sẽ quyết định việc dừng hay không Uber, Grab cũng như thí điểm xe hợp đồng điện tử”, Thứ trưởng Nguyễn Đông nói tại cuộc họp báo.
Điều 43. Gièm pha doanh nghiệp khác Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Điều 117. Các hình thức xử phạt vi phạm pháp luật về cạnh tranh và các biện pháp khắc phục hậu quả 1. Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền. 2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: a) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh. 3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: a) Cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; b) Chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua; c) Cải chính công khai; d) Loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh; đ) Các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi vi phạm. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. |