Giấy mời và giấy triệu tập của Công an khác nhau như thế nào?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 06:20, 30/08/2017
Em tôi và bố tôi tham gia giao thông có xảy ra va chạm rồi dẫn đến xô xát với một thanh niên. Sau đó ít hôm, Công an gửi cho em tôi một giấy mời và bố tôi một giấy triệu tập đến cơ quan công an để làm việc liên quan đến vụ va chạm giao thông . Xin hỏi luật sư, khi bị cơ quan công an triệu tập như vậy, em tôi và bố tôi có quyền được từ chối đến làm việc hay không. Giấy mời và giấy triệu tập giữa bố tôi và em tôi có gì khác nhau?
Độc giả Đỗ Văn Nam (Hà Nội)
Luật sư Đặng Văn Sơn
Trả lời: Dựa trên những thông tin mà bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật về vấn đề mà bạn đang thắc mắc như sau:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong quá trình điều tra, Công an cũng có thể yêu cầu người dân đến và hợp tác thông qua giấy mời hoặc giấy triệu tập. Giấy mời và giấy triệu tập là hai loại giấy có bản chất khác nhau.
Giấy mời là loại giấy được sử dụng trong những trường hợp cơ quan Công an, Tòa án hay nói chung là các cơ quan tiến hành tố tụng mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc. Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được giấy mời của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan công an nói riêng thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu.
Do đó, đối với giấy mời, người được mời có quyền lựa chọn giữa đến và không đến. Vì là quyền nên việc không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu có điều kiện và thời gian, người nhận được giấy mời nên đến làm việc với đơn vị đã gửi giấy mời để biết rõ được mình có liên quan như thế nào đến vụ việc.
Giấy triệu tập là loại giấy dành cho những người có liên quan đến những vụ việc đã và đang được giải quyết tại các cơ quan tố tụng như cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ tố tụng (bắt buộc).
Như vậy, việc triệu tập chỉ có thể xảy ra khi có vụ án, tức là có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xác định rõ (Tư cách tham gia tố tụng), ai là bị can (nghi can), ai là người biết sự việc (làm chứng)…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay ngay khi có đơn tố cáo, tin báo tội phạm là lập tức những đối tượng bị tình nghi, người làm chứng bị triệu tập một cách cấp tập là không đúng luật. Trong trường hợp này, Điều tra viên chỉ có thể dùng giấy mời công dân đến làm việc, vì là mời nên không có giá trị bắt buộc công dân chấp hành, do đó cũng không có quyền áp giải. Còn khi đã khởi tố vụ án thì triệu tập sẽ mang tính bắt buộc thực hiện, nếu không sẽ bị áp giải, thậm chí tống giam (nếu là bị can được tại ngoại).