Vấn đề pháp lý xung quanh việc Tòa án xử tội buôn lậu đối với hành vi buôn thuốc tân dược giả

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 06:40, 29/08/2017

Vừa qua, TAND TP. HCM đã đưa vụ án “Buôn lậu”; “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma ra xét xử sơ thẩm.

HĐXX đã tuyên Nguyễn Minh Hùng, nguyên TGĐ VN Pharma mức án 12 năm tù về tội buôn lậu; Võ Mạnh Cường - người môi giới cho VN Pharma nhập lô thuốc trị ung thư không rõ nguồn gốc - cũng bị phạt 12 năm tù về tội danh trên.

Tuy nhiên, sau vụ án, ý kiến băn khoăn cho rằng lãnh đạo VN Pharma buôn thuốc giả nhưng Tòa lại xử tội buôn lậu là chưa phù hợp. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến những vấn đề pháp lý xung quanh vụ án này từ góc độ quy định của BLHS hiện nay.

Theo hồ sơ vụ án, các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên VN Pharma đã làm giả hồ sơ để nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita (thuốc điều trị ung thư) kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Trong đó, Nguyễn Minh Hùng, nguyên Giám đốc Pharma là người phải chịu trách nhiệm chính trong thương vụ mua bán này.

Tại toà, bị cáo Nguyễn Minh Hùng cho rằng, bị cáo không nhập thuốc giả mà chỉ nhập thuốc không rõ nguồn gốc. Còn đại diện Viện Kiểm sát cũng cho biết, các cơ quan tố tụng đã kết luận đây không phải thuốc giả mà là thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Vì vậy, các bị cáo bị truy tố về Tội buôn lậu chứ không bị truy tố về Tội sản xuất - buôn bán thuốc chữa bệnh giả.

Kết luận giám định về lô thuốc H-Capita nêu rõ: màu sắc tiêu chuẩn của lô thuốc phải là màu đỏ nhưng viên thuốc thành phẩm lại có màu hồng; Tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc trên thực tế có nội dung không đúng với thiết kế trong hồ sơ xin nhập khẩu thuốc. Qua kiểm tra lô thuốc H-Capita trên thực tế thì có hộp chứa 2 tờ hướng dẫn sử dụng, có hộp không có hướng dẫn sử dụng, có hộp chứa vỉ rỗng (không có viên thuốc nào), quy cách đóng 3 vỉ/hộp nhưng thực tế có hộp đóng 4 vỉ. Hội đồng định giá kết luận thuốc được sản xuất, gia công không được kiểm nghiệm chỉ tiêu, chất lượng trước khi xuất xưởng. Lô thuốc H-Capita chứa 97% hoạt chất capecitanbine, là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được dùng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Nguyên TGĐ VN Pharma Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường - người môi giới cho VN Pharma nhập lô thuốc trị ung thư không rõ nguồn gốc đã bị Tòa tuyên mức án như chúng tôi đã đề cập đến ở trên.

Trước khi tuyên án Võ Mạnh Cường, HĐXX cũng đã nhận định rằng, căn cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi tại phiên tòa cho thấy, Nguyễn Minh Hùng đã bàn bạc với Võ Mạnh Cường nhập thuốc H-Capita về Việt Nam. Do thiếu một số giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc mà công ty ở Canada không cung cấp được nên Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả các giấy tờ. Hùng cũng chỉ đạo nâng giá thuốc trên thực tế từ 27 USD một hộp lên 75 USD một hộp. Cả 9.300 hộp thuốc trị ung thư được nhập về đều kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không được dùng để chữa bệnh cho người.

Theo HĐXX, Nguyễn Minh Hùng là người có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhập khẩu thuốc nhưng lại có hàng loạt hành vi sai phạm như làm giả giấy tờ, nâng khống giá thuốc, chỉ đạo nhân viên chuyển tiền trá hình sang nước ngoài để hợp thức hóa việc mua thuốc. Việc buôn bán thuốc kém chất lượng rất nguy hiểm cho xã hội, vì vậy xử phạt tù bị cáo là điều cần thiết. Tuy nhiên, đô lô thuốc ung thư đã bị niêm phong, chưa bán ra thị trường, chưa gây hậu quả cho xã hội, do đó các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Vấn đề pháp lý xung quanh việc Tòa án xử tội buôn lậu đối với hành vi buôn thuốc tân dược giả

Các bị cáo tại phiên tòa 

Ngoài mức án đối với Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường, HĐXX đã tuyên phạt 5 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ nhân viên VN Pharma từ 1 năm 6 tháng tù đến 5 năm tù. Riêng bị cáo Phạm Văn Thông (dược sĩ) và Phạm Anh Kiệt (TGĐ Công ty dược Sapharco) bị phạt 2 năm tù treo.

Tiếp đó, HĐXX cũng kiến nghị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, VKSNDTC làm rõ hành vi chi, nhận hoa hồng để bán thuốc vào bệnh viện mà các bị cáo đã khai tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa; Kiến nghị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của cán bộ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khi cấp phép nhập khẩu lô thuốc về Việt Nam, nếu có hành vi sai phạm thì xử lý theo quy định.

Vụ án đã kết thúc, nhưng đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc tuyên án của HĐXX đối với bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên TGĐ Công ty VN Pharma.

Theo quan điểm LS Nguyễn Văn Chiến - Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hành vi của các bị cáo trong vụ án đủ cấu thành tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Hành vi “buôn lậu” là buôn bán trái phép (có thể với thủ đoạn đa dạng) nhưng không thể nhầm lẫn với hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh được.

Ông Chiến cũng cho rằng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm với đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả. Luật Dược cũng quy định thuốc giả là thuốc không có dược chất, dược liệu; có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;…

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ pháp lý, TS Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Pháp luật hình sự, Viện Nhà nước pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lại nhìn nhận vụ án qua các quy định của BLHS hiện nay.

Ông Hưng cho rằng việc xử lý các vụ án liên quan đến hàng giả quan trọng nhất là xác định đối tượng của tội phạm là hàng giả. Để xác định cần dẫn chiếu đến luật chuyên ngành, ví dụ nếu hàng giả là thuốc chữa bệnh thì phải dẫn chiếu đến Luật Dược và Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, về hàng giả. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu hàng giả chỉ là giả bao bì, nhãn hiệu còn nội dung chất lượng không giả thì không coi là hàng giả với tư cách là đối tượng của tội phạm về hàng giả mà là đối tượng của Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (điều 171).

Liên quan đến vụ nhập khẩu thuốc chữa ung thư giả như trên cho thấy có sự cạnh tranh quy phạm trong việc giải quyết vụ việc buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh (điều 157) với Tội buôn lậu (điều 153). Ở đây cho thấy có sự bất cập của BLHS khi đạo luật này chưa thiết kế cấu thành tội phạm để thu hút hai hành vi buôn bán trái phép qua biên giới và đối tượng là hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Về nguyên tắc, Tội buôn lậu phải thu hút đối tượng "thuốc chữa bệnh giả" vào làm tình tiết định khung tăng nặng cho mình hoặc ngược lại Tội buôn bán thuốc giả phải thu hút tình tiết " Buôn bán trái phép qua biên giới" của Tội buôn lậu là tình tiết tăng nặng định khung. Nhưng BLHS đã bỏ qua trường hợp này dẫn đến vụ nhập khẩu thuốc giả xử lý bằng "Tội buôn lậu" thì bỏ qua tình tiết đối tượng là thuốc chữa bệnh giả. Ngược lại nếu xử tội buôn bán thuốc chữa bệnh giả lại bỏ qua tình tiết "qua biên giới" của buôn lậu.

Từ đó không đánh giá hết tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi kéo theo hình phạt chưa tương xứng. Bởi lý lẽ, người buôn lậu thuốc chữa bệnh giả không thể xử lý như người buôn lậu hành hóa thông thường. Theo BLHS, "hành vi buôn lậu thuốc chữa bệnh giả có mức hình phạt cao hơn hành vi buôn lậu hàng hóa thông thường" - TS Đinh Thế Hưng nhận định.

Mai Thoa