Hai người phụ nữ hắt chất bẩn vào hàng thịt lợn bị xử lý thế nào?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 19:09, 12/05/2017
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào sáng 11/5, chị Đỗ Thị Xuyến (24 tuổi, ở xã Tú Sơn, huyện Kiến Thuỵ) mang thịt lợn của nhà ra bán tại kiốt trong chợ Lương Văn Can (phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) thì bất ngờ bị 2 người phụ nữ đi xe máy mang theo xô dầu luyn trộn chất thải hắt lên người và phản thịt. Những người này còn đe dọa sẽ chặn đánh chị trên đường về.
Người phụ nữ thẫn thờ khi bị hắt nước bẩn vào người khi đang bán thịt lợn
Chị Xuyến kể, chị bán tôm, cá trong chợ này từ năm 2014. Tuy nhiên, do thời gian gần đây gia đình nuôi nhiều lợn nhưng lại không bán được do giá lợn hơi quá rẻ nên buộc phải tự giết mổ để mang ra chợ bán nhằm gỡ gạc chút vốn.
Thịt lợn tại quầy của chị Xuyến được bán với mức giá dao động từ 20.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại, rẻ hơn nhiều so với quầy thịt gần đó nên dẫn tới mâu thuẫn. “Trước đó mấy ngày tôi cũng bị một số đối tượng đến đe dọa không cho bán thịt lợn tại đây nhưng tôi nói rõ rằng chỉ bán đến khi lợn của nhà hết rồi lại tập trung bán tôm, cá chứ không tính chuyện cạnh tranh hay bán phá giá với ai cả" - chị Xuyến cho biết.
Hành động của hai người phụ nữ khiến nhiều người bán hàng tại chợ bức xúc đã quay lại clip và đưa lên mạng xã hội.
Sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc, Công an phường Máy Tơ đã chuyển vụ việc lên công an quận Ngô Quyền làm rõ hành vi sai trái của những đối tượng liên quan.
Tiến hành điều tra, Công an quận Ngô Quyền xác định người có hành vi trên là Hoàng Thị Mỹ Dung, 42 tuổi, ở phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền cùng một phụ nữ tên Hoa. Cơ quan Công an đã tiến hành triệu tập nhưng hai người phụ nữ này không hợp tác.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc công ty Luật Đại Nam, (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, trước hết, phải khẳng định hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật, xuất phát từ động cơ đê hèn và phương pháp thực thực hiện rất bỉ ổi. Hành vi này đã phạm vào điều 143 Bộ luật hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác với hình phạt là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm và mức cao nhất là chung thân. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử phạt bổ sung từ mười triệu đến một trăm triệu đồng, cấm hành nghề.
Đối với hành vi trên, mặc dù thiệt hại về vật chất không lớn, tuy nhiên do động cơ đê hèn và cách thức thực hiện bỉ ổi nên tạo ra sự bất bình lớn trong dư luận và cần được xử lý nghiêm khắc theo pháp luật.
Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Để che giấu tội phạm khác;
đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
e) Tái phạm nguy hiểm;
g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.