Ông Đoàn Ngọc Hải được quyền cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm mà không trái luật
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 13:37, 26/03/2017
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng luật sư Interla đã có những phân tích dưới góc nhìn pháp lý về vụ việc.
Luật sư Trương Quốc Hòe
Theo luật sư Trương Quốc Hòe, phải khẳng định rằng hành vi xây dựng một số công trình trên vỉa hè không chỉ vi phạm các quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà còn vi phạm các quy định trong lĩnh vực xây dựng.
Các công trình vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng là 02 năm trong đó:
+ Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
+ Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
Như vậy, nếu căn cứ theo quy định trên thì một số công trình xây dựng vi trái pháp luật đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, theo quy định tại Điều 65, Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì trong trường hợp này, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có quyền ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như:
+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
+ Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được lập theo mẫu quy định tại Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính trong đó có nêu rõ biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời gian thực hiện.
Mặt khác, tại Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
+ Thời hạn thi hành: Được ghi trong quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
+ Các cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định.
+ Trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính theo quy định thì cơ quan nơi người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ vi phạm hành chính phải tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Chi phí cho việc tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định thực hiện được lấy từ nguồn ngân sách dự phòng cấp cho cơ quan đó.
+ Trong trường hợp khẩn cấp, cần khắc phục ngay hậu quả để kịp thời bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông thì cơ quan nơi người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ vi phạm hành chính tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, nếu không hoàn trả thì bị cưỡng chế thực hiện.
Như vậy, trong trường hợp khẩn cấp, cần khắc phục ngay hậu quả để bảo đảm giao thông thì cơ quan nơi người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ về vụ vi phạm hành chính có quyền tổ chức thi hành ngay biện pháp khắc phục hậu quả như tháo dỡ công trình vi phạm.
Ông Đoàn Ngọc Hải được xem là người đi tiên phong trong "chiến dịch" trả lại vỉa hè cho người đi bộ
Theo thông tin báo chí đã phản ánh thì trước khi tiến hành việc cưỡng chế, chính quyền Quận 1 cũng đã có văn bản thông báo cho những tổ chức, cá nhân vi phạm yêu cầu tháo dỡ công trình. Do đó, nếu các tổ chức, cá nhân có công trình vi phạm cố tình không thực hiện và xét thấy trường hợp này cần khắc phục ngay hậu quả để bảo đảm giao thông thì Phó Chủ tịch UBND Quận 1 và các lực lượng có liên quan có quyền cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm.
Các trường hợp khác (không phải trường hợp khẩn cấp, cần khắc phục hậu quả ngay) thì sau khi có Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, kết thúc thời gian đã được ấn định tại Quyết định mà cá nhân, tổ chức vi phạm không thực hiện việc pháp dỡ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp tháo dỡ.
Quy trình cưỡng chế trong trường hợp này được quy định tại Mục 5 Chương II (từ Điều 33 đến Điều 35) Nghị định 166/2013/NĐ-CP như sau:
+ Bước 1: Ra Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả;
+ Bước 2: Huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện biện pháp đã ghi trong quyết định.
+ Bước 3: Tổ chức, cá nhân vi phạm tự thực hiện trước khi cưỡng chế thì lập Biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành.
Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm không tự thực hiện trước khi cưỡng chế thì tổ chức cưỡng chế với sự có mặt của chính quyền địa phương và người chứng kiến.
Xét trong trường hợp này, tại vỉa hè Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh có các công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè đã hàng chục năm nay. Tuy đã được nhắc nhở, thông báo nhiều lần xong vẫn không có dấu hiệu trả lại hiện trạng vốn có cho vỉa hè khu vực này.
Trong trường hợp này mặc dù thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã hết (được tính kể từ thời điểm phát hiện ra hành vi vi phạm) xong áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 66 luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã nêu ở trên thì Phó chủ tịch Quận 1 hoàn toàn có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ khôi phục lại hiện trạng ban đầu cho các khu vực vỉa hè trên địa bàn Quận.