Vụ cứu người tai nạn bị đâm: Góc nhìn pháp lý của luật sư
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 21:09, 18/02/2017
Đại tá Hoàng Như Chinh – Trưởng Công an huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cho biết, sau quá trình thu thập thông tin, cơ quan chức năng xác định hai đối tượng Nguyễn Ngọc Đức và Nguyễn Hữu Khá đã có hành vi cố ý gây thương tích cho anh Nguyễn Hải Sơn. Trong đó đối tượng Nguyễn Hữu Khá trực tiếp dùng dao đâm anh Sơn khiến nạn nhân bị thương nặng.
Sau khi quyết định khởi tố hai bị can được công bố, giới luật sư đã có nhiều quan điểm với góc nhìn về tính chất pháp lý của vụ việc.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng VPLS Nguyễn Anh: "Khởi tố tội cố ý gây thương tích là trái luật"
Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Xét về tội danh:
Cơ quan điều tra Công an huyện Thuận Thành đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự là không đúng với bản chất hành vi phạm tội mà các đối tượng đã gây ra. Hành vi phạm tội của các đối tượng đã phạm tội giết người. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm n, Khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
Xét hành vi của các đối tượng thì thấy đã chuẩn bị dao mang theo là loại hung khí rất nguy hiểm sau khi nhận được tin báo của anh Sơn có bạn là chị Nguyễn Thị Dung bị tai nạn, đã được đưa vào Bệnh viện đa khoa Thuận Thành cấp cứu.
Về ý thức chủ quan, đối tượng đã có động cơ, mục đích đi “nói chuyện” với người gọi điện thoại là đã gây tai nạn giao thông cho bạn mình bằng dao. Thực tế, khi gặp anh Sơn, đối tượng đã gây sự chửi đánh làm anh Sơn bỏ chạy. Không dừng lại ở đó, khi thấy anh Sơn bỏ chạy, đối tượng đã đuổi theo dùng dao đâm 1 nhát vào phía lưng anh Sơn. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đã bỏ trốn. Hậu quả anh Sơn bị đâm thấu phổi gây thương tích nặng và được các Bác sỹ bệnh viện cấp cứu kịp thời nên may mắn thoát chết.
Xét về thủ tục tố tụng khi khởi tố các đối tượng về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự là trái luật.
Căn cứ Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại qui định :
“Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.
Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”.
Căn cứ Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT/VKSNDTC-BCA-BQP về quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số qui định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 qui định:
“Những vụ án về các tội phạm quy định tại Khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật Hình sự chỉ được ra quyết định khởi tố vụ án khi đã có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Yêu cầu khởi tố của người bị hại hoặc của người đại diện thể hiện bằng đơn yêu cầu có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ; nếu người bị hại hoặc người đại diện đến trực tiếp trình bày thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải lập biên bản ghi rõ nội dung yêu cầu khởi tố và yêu cầu họ ký hoặc điểm chỉ vào biên bản. Biên bản do Viện kiểm sát lập phải được chuyển ngay cho Cơ quan điều tra để xem xét việc khởi tố vụ án hình sự và đưa vào hồ sơ vụ án.
Nếu ngay sau khi khởi tố vụ án hình sự mà người bị hại hoặc người đại diện của họ rút yêu cầu khởi tố thì Cơ quan điều tra ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp; nếu đang điều tra hoặc đã kết thúc điều tra thì Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra; nếu đã chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án”.
Theo lời trình bày của anh Nguyễn Văn Sơn và gia đình cho biết đến hiện nay chưa có yêu cầu khởi tố vụ án thể hiện bằng văn bản có chữ ký hay điểm chỉ. Bởi lẽ từ khi anh Sơn bị đối tượng đâm thấu phổi phải phẫu thuật và nằm điều trị tại Bệnh viện thì sức khỏe còn rất yếu nên chưa có bất cứ Đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.
Khi biết tin Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố các bị can về tội cố ý gây thương tích, anh Sơn và gia đình mới được biết. Đến thời điểm hiện tại, khi đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, anh Sơn chưa được Cơ quan điều tra ra Quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ % thương tích tổn hại sức khỏe và cho đi giám định để làm căn cứ khởi tố các bị can theo qui định của pháp luật.
Nếu trong trường hợp anh Nguyễn Văn Sơn không yêu cầu giám định tỷ lệ % thương tích thì căn cứ nào để khởi tố các bị can theo điều khoản của Điều 104 Bộ luật hình sự?
Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng VPSL Intera: "Cần xác minh làm rõ động cơ mục đích của đối tượng"
Luật sư Trương Quốc Hòe
Theo tôi được biết, ngày 17/2/2017 vừa qua Công an huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố đối tượng đâm anh Sơn về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự.
Trong trường hợp này chúng ta có thể thấy hành vi của đối tượng Nguyễn Hữu Khá đã có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích, bởi:
Hành vi của Khá đã xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. Theo những thông tin báo chí đưa tin thì anh Sơn bị đâm trúng phổi, tuy hiện nay đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn còn rất yếu.
Hơn nữa trong trường hợp này có thể thấy hành vi của Khá là cố ý gây thương tích cho anh Sơn vì khi mới chỉ nghe anh Sơn gọi điện thông báo người nhà bị tai nạn, thì Khá đã quát tháo rồi đến bệnh viện với thái độ khá hung hăng. Khi chưa để cho anh Sơn giải thích mình là ai thì đã dùng dao đâm anh Sơn. Dù anh Sơn đã bỏ chạy nhưng Khá và bạn đi cùng vẫn cố tình đuổi theo cầm ghế đánh anh Sơn, điều này khẳng định hành vi của Khá là hành vi cố ý gây thương tích cho anh Sơn.
Tuy nhiên, để xác định ở đây Khá có hành vi cố ý gây thương tích cho anh Sơn hay hành vi của Khá phạm một tội khác thì cơ quan Cảnh sát điều tra cần xác minh làm rõ, động cơ, mục đích của Khá. Trong trường hợp này, Khá có mục đích cướp đi tính mạng của anh Sơn hay chỉ do bị kích động trong lúc đã có men say mà đã có hành vi gây thương tích cho anh Sơn.
Trong trường hợp Khá chỉ có mục đích muốn gây thương tích cho anh Sơn, nhưng khi đâm không để ý hoặc bị kích động mà đâm phải vùng ngực của anh Sơn thì hành vi của Khá chỉ cấu thành tội Cố ý gây thương tích. Mặc dù đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết luận giám định tỷ lệ thương tật, nhưng Khá đã dùng dao (hung khí nguy hiểm) để gây thương tích. Vì vậy, để xác định chính xác hành vi của Khá phạm tội gì, thì cơ quan chức năng cần xác định rõ động cơ, mục đích của Khá cũng như bạn đi cùng là gì?
Luật sư Đặng Văn Sơn – Trưởng VPLS Đặng Sơn và cộng sự: “Đề nghị tội giết người là có căn cứ”
Luật sư Đặng Văn Sơn
Theo quan điểm của luật sư, trên cơ sở các kết luận về Y khoa và thực tiễn đã chứng minh, các thương tích nằm ở các vùng nguy hiểm, trọng yếu trên cơ thể (đầu, cổ ngực, bụng) sẽ dẫn tới tử vong.
Anh Sơn không chết là do được các bác sỹ cấp cứu và phẫu thuật kịp thời tại Bệnh viện ngay khi sự việc xảy ra. Các đối tượng buộc phải nhận thức được dao là loại hung khí nguy hiểm khi đâm vào vùng trọng yếu trên cơ thể sẽ dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng, có thể tước đi mạng sống của người khác. Anh Sơn không chết là nằm ngoài ý thức chủ quan của các đối tượng. Anh Nguyễn Văn Sơn chỉ là người dân đi đường thấy người bị tai nạn giao thông nên đưa vào bệnh viện để cấp cứu. Không những không được biết ơn mà các đối tượng đã trả ơn bằng một nhát dao đâm thấu phổi, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hành vi của các đối tượng thể hiện sự côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật, vô cớ xâm phạm đến tính mạng của công dân được pháp luật bảo vệ và gây bất bình trong dư luận xã hội. Mặt khác, sau khi thực hiện hành vi phạm tội các đối tượng đã bỏ trốn mà bỏ mặc nạn nhân.
Do vậy, hành vi của đối tượng cần thiết phải xử lý về tội giết người mới có thể răn đe, phòng ngừa các hành vi bạo lực khi giải quyết mâu thuẫn do va chạm giao thông đang có xu hướng gia tăng hiện nay trong xã hội.
Theo luật sư Sơn, nhiều khi không xác định rõ ý thức chủ quan của bị cáo, nhưng hành vi khách quan thì thể hiện rõ không phải là chỉ cố ý gây thương tích mà là cố ý tước đoạt sinh mạng của người khác thì bị cáo phạm tội giết người, thực tế không ít vụ án cố ý gây thương tích, khi đưa ra xét xử, Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và chuyển tội danh từ Cố ý gây thương tích sang tôi Giết người.
Khoảng 19h tối 11/2, tại quốc lộ 38 thuộc khu vực xã Trạm Lộ (Bắc Ninh), một chiếc taxi hiệu Phú Sơn có va chạm giao thông với một xe máy do một cô gái điều khiển khiến cô này bị thương. Lúc này, anh Nguyễn Hải Sơn ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), là người đi đường ngang qua, đã cùng lái xe taxi đưa cô gái vào Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Thành để kiểm tra vết thương. Tại đây, cô gái có nhờ anh Sơn gọi điện cho bạn đến bệnh viện. Khi nhóm bạn của cô gái đến bệnh viện, một người trong nhóm là Nguyễn Hữu Khá thấy anh Sơn đã lao vào hành hung, rồi dùng dao đâm anh Sơn. Người đi cùng với Khá là Nguyễn Ngọc Đức cùng dùng ghế tấn công. Khi thấy nạn nhân trọng thương, cả hai đối tượng đã rời khỏi hiện trường. |