CSGT đưa máy bắn tốc độ cho chủ xe làm thay nhiệm vụ có vi phạm luật?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 15:52, 30/11/2016
Ở khu vực gần nhà tôi sinh sống thường xuyên có CSGT tuần tra, kiểm soát, song trong quá trình làm nhiệm vụ tổ công tác thường xuyên thuê xe ô tô của người dân trên địa bàn để hoá trang và giao luôn thiết bị là máy bắn tốc độ cho chủ xe làm thay nhiệm vụ. Vậy xin hỏi tổ tuần tra CSGT nói trên có vi phạm không? Và vi phạm như thế nào?
Độc giả Nguyễn Công Nam (congnamdtn@gmail.com)
CSGT làm nhiệm vụ. Ảnh minh họa
Trả lời: Dựa trên những thông tin mà bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật về vấn đề mà bạn đang thắc mắc như sau:
Để xác định việc thuê xe và giao thiết bị kiểm tra tốc độ cho chủ xe của CSGT trong trường hợp trên có vi phạm hay không cần xem xét các quy định về việc hóa trang trong khi tuần tra, kiểm soát và các yêu cầu về việc sử dụng thiết bị khi làm nhiệm vụ của CSGT, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về việc thuê xe để hóa trang khi bắn tốc độ:
Tại khoản 6 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định quyền hạn của cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông như sau:
“6. Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.”.
Điều này cho thấy rằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, CSGT được trưng dụng tài sản khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông nhưng việc trưng dụng phải theo quy định pháp luật.
Cụ thể, theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 và Điều 15 của Luật CAND năm 2014 thì CSGT có nhiệm vụ, quyền hạn được trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác… trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn thiệt hại cho xã hội đang và chưa xảy ra.
Ngoài ra, tại Điều 7 Thông tư 01/2016/TT-BCA đã nhấn mạnh: Việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phải thực hiện theo đúng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 165/2013/NĐ-CP, Thông tư số 40/2015/TT-BCA ngày 24/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an.
Mặt khác, cũng theo quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BCA thì điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang là phải có kế hoạch đã được phê duyệt và trong kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát.
Như vậy, việc CSGT thuê xe của chủ sở hữu không phải là trường hợp trưng dụng phương tiện nhưng nếu việc thuê và sử dụng chiếc xe được xác định rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được phê duyệt thì việc sử dụng xe đã thuê của CSGT trong trường hợp trên là không vi phạm quy định pháp luật.
Trường hợp phương tiện được sử dụng không có trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang thì hành vi sử dụng phương tiện của chủ xe để tuần tra, kiểm soát của CSGT trong trường hợp trên đã vi phạm các quy định về tuần tra, kiểm soát công khai và quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 165/2013/NĐ-CP về hành vi bị nghiêm cấm đó là: “Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ không bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định hoặc chưa được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật có liên quan.”.
Thứ hai, về việc CSGT giao luôn thiết bị (máy đo tốc độ) cho chủ xe làm thay nhiệm vụ:
Đây là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật bởi: Trước hết, việc giao thiết bị cho chủ xe không thuộc trường hợp được “trưng dụng các loại phương tiện giao thông và người điều khiển theo quy định” bởi trong Luật CAND năm 2014 đã quy định rõ chỉ được trưng dụng người đang sử dụng, điều khiển phương tiện trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn thiệt hại cho xã hội đang và chưa xảy ra.
Thêm vào đó, tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 165/2013/NĐ-CP đã nghiêm cấm hành vi sau: “5. Giao phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền quản lý, sử dụng".
Việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang là thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt và trong kế hoạch phải nêu rõ về lực lượng, phương tiện do đó không thể có trường hợp CSGT phải trưng dụng cả chủ xe để bắn tốc độ trong trường hợp này.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang được pháp luật cho phép nhưng người được giao nhiệm vụ phải thực hiện công việc theo đúng quy định đặc biệt, việc dừng đỗ xe hóa trang để tuần tra, kiểm soát phải tuân thủ đúng quy định, không được che khuất biển báo trên đường.
Theo quy định tại khoản 17.1 Điều 17 QCVN 41 về vị trí đặt biển báo thì: Biển báo hiệu phải đặt ở vị trí để người sử dụng đường dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng, thay đổi tốc độ hoặc thay đổi hướng nhưng không được làm cản trở sự đi lại của người sử dụng đường. Trường hợp không tính toán xác định cự ly nhìn thấy biển, cho phép lấy cự ly đảm bảo người sử dụng đường nhìn thấy biển báo hiệu là 150m trên những đường xe chạy với tốc độ cao và có nhiều làn đường, là 100m trên những đường ngoài phạm vi khu đông dân cư và 50m trên những đường trong phạm vi khu đông dân cư.
Trường hợp CSGT tuần tra, kiểm soát kết hợp với hóa trang mà che khuất biển báo và người điều khiển phương tiện bị xử phạt do không nhìn thấy biển báo (ví dụ trường hợp biển báo tốc độ cho phép bị che khuất) thì có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính để bảo vệ quyền lợi của mình.
(Bạn đọc có những băn khoăn hay thắc mắc về pháp lý, xin hãy gửi câu hỏi về địa chỉ conglydientu@congly.com.vn để được các chuyên gia tư vấn pháp luật giải đáp trong thời gian sớm nhất).