Bạn thân mượn xe rồi mang đi cầm cố phải làm thế nào?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 14:47, 31/10/2016
Vào năm 2013, một người bạn nói với tôi cho mượn chiếc xe Yamaha Sirius màu trắng đen đi cầm để chuộc xe Wave RS của bạn tôi và sau đó đưa cho tôi chạy để đi làm. Tôi đồng ý cho mượn và bạn tôi mang xe của tôi cầm được 10 triệu đồng, rồi chuộc xe Wave RS ra đưa tôi chạy. Sau đó bạn tôi tiếp tục cầm chiếc xe Yamaha Sirius màu trắng đen của tôi thêm 4 triệu đồng nữa là 14 triệu đồng (lần cầm thêm tôi không biết).
Vì không có tiền lấy xe của tôi ra nên chiếc xe Yamaha Sirius màu trắng đen bị mất và bạn tôi đưa xe Wave RS cho tôi đi luôn nhưng không đưa giấy tờ.
Năm 2014, tôi có làm đơn gửi Công an xã nhưng Công an xã chỉ hòa giải rồi gọi bạn tôi lên cam kết trả giấy tờ cho tôi, bạn tôi hứa mấy bữa sẽ đưa (có biên bản làm việc của Công an và lời cam kết của bạn tôi).
Tuy nhiên tới hôm nay tôi vẫn chưa lấy được giấy tờ xe và đi làm lại giấy tờ CSGT cũng không đồng ý. Bây giờ tôi phải làm sao và có thể khởi kiện bạn tôi được không?
Độc giả Đặng Ngọc Luy, Lâm Đồng
Bạn mượn xe đi cầm cố có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trả lời: Dựa trên những dữ liệu mà bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật về vấn đề mà bạn đang thắc mắc như sau:
Căn cứ vào Điều 140 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tôi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì:
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Như vậy, có thể thấy rằng hành vi của người bạn của bạn có thể có dấu hiệu cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, một số thông tin bạn cung cấp vẫn chưa được làm rõ, nên để xác định dấu hiệu phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” sẽ phải căn cứ vào rất nhiều tình tiết khách quan, hành vi phạm tội. Do đó, không phải trường hợp nào cũng có thể xác định để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự phải có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như hành vi chiếm đoạt phải có giá trị từ 4 triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng, hành vi mượn tài sản phải bằng hình thức thông qua hợp đồng (hợp đồng có thể bằng lời nói…) , đã bị xử lý hành chính về hành vi đó chưa, đã sử dụng tài sản chiếm đoạt được vào mục đích bất hợp pháp bằng dẫn đến việc không có khả năng trả lại tài sản, có tính chất chuyên nghiệp và chưa được xóa án tích mà tái phạm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tuy nhiên, trong trường hợp này bạn vẫn có thể nộp đơn tố cáo đến cơ quan Cảnh sát điều tra để tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người bạn này. Cụ thể thông tin bạn cung cấp thì bạn có thể nộp đơn tố cáo đến cơ quan CSĐT Công an huyện nơi có tài sản bị chiếm đoạt để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bạn đọc có những băn khoăn hay thắc mắc về pháp lý, xin hãy gửi câu hỏi về địa chỉ conglydientu@congly.com.vn để được các chuyên gia tư vấn pháp luật giải đáp trong thời gian sớm nhất.