Quanh chuyện gói mì
Chính trị - Ngày đăng : 10:47, 13/04/2012
Mẩu quảng cáo này làm người ta nhớ đền một doanh nghiệp sản xuất nước tương (xì dầu) quảng cáo rằng trong nước tương của mình không chứa chất 3-MCPD có khả năng gây ung thư. Cách quảng cáo này khiến người ta ngầm hiểu rằng ngoài các sản phẩm được quảng cáo thì đa số sản phẩm còn lại trên thị trường là không đáng tin cậy. Thậm chí một số doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh của các công ty này còn lên tiếng khiếu nại về cách thông tin “gây nhầm lẫn” trên, khiến cho doanh số của họ bị sụt giảm nghiêm trọng.
Có ý kiến cho rằng, các cơ quan truyền thông cần kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải, bởi hiện có tới 30-40% quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay đang “có vấn đề” và không được kiểm chứng một cách kỹ lưỡng. Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng ảnh hưởng của truyền thông và lòng tin của người tiêu dùng để “dìm” đối thủ, trong khi đó bản thân họ cũng không “trong sáng” gì. (Các sản phẩm khác của Công ty M vẫn sử dụng chất mà họ cho là độc hại).
Tuy nhiên, dưới góc độ của người tiêu dùng, điều mà họ quan tâm là cái “chất màu vàng sậm” là gì? Nghe nói nó có thế gây nhiều thứ bệnh, thậm chí có thể gây phá huỷ AND? Mì ăn liền là loại thực phẩm rất phổ biến, nên không ít người tiêu dùng hoang mang. Một số người còn chuyển hẳn sang dùng các sản phẩm mì của nước ngoài với giá cao hơn.
Ngày 6-7, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định phẩm màu E102 đã được Ủy ban hỗn hợp về phụ gia thực phẩm Quốc tế FAO/WHO (gọi tắt là JECFA) cũng như Ủy ban Khoa học Châu Âu nghiên cứu từ nhiều năm trước. Trên cơ sở các bằng chứng khoa học và thực nghiệm, các cơ quan này đều thống nhất quy định mức ăn vào hàng ngày chấp nhận được là từ 0-7,5mg/kg thể trọng/ngày. Ở Việt Nam, việc sử dụng phẩm màu E102 đã quy định có tính pháp lý (Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT). Vì vậy, cơ quan này cho rằng, nếu phẩm màu trên được sử dụng đúng hàm lượng theo quy định thì vẫn bảo đảm an toàn.
Qua chuyện này cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước cần thông tin kịp thời tới người tiêu dùng nhằm ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Mặt khác, cũng cần xem xét cẩn trọng hơn đối với danh mục các chất phụ gia thực phẩm. Ví như với chất E102, có lẽ không phải vô cớ bị một số nước cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Trung Nguyễn