Văn hóa - Du lịch

Truyền kỳ về ngôi cổ tự nơi “dòng sông chảy ngược”

Trang Việt 20/03/2023 - 07:06

Ở thôn Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn có một ngôi chùa cổ lên đến hàng trăm năm tuổi. Xung quanh ngôi cổ tự nằm ven bờ sông Kỳ Cùng, một trong những con sông hiếm hoi chảy ngược trên địa phận Việt Nam, có rất nhiều giai thoại, truyền kỳ về những tiên nữ giáng trần, chuyên ban phúc và bảo vệ dân làng.

Nơi tiên nữ dạo chơi

Chùa Bắc Nga có tên chữ “Tiên nga phật tự” hay còn gọi là Chùa Tiên Nga (Tiên Nga Tự), thuộc địa phận thôn Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Chùa được xây dựng trên một sườn đồi, mặt hướng ra quốc lộ 4B và dòng sông Kỳ Cùng trong xanh uốn lượn tạo nên thế “rồng chầu hổ phục”.

Tuy kiến trúc, bài trí khá đơn giản, nhưng chùa Bắc Nga từ lâu đã nổi tiếng linh thiêng, thu hút rất nhiều du khách thập phương đến tham quan và nguyện cầu.

Hàng năm, vào ngày Rằm tháng Giêng, người dân khắp nơi lại đổ về đây để trẩy hội. Đây là lễ hội cầu tài lộc, cầu cho mùa màng bội thu, nhà nhà được ấm no hạnh phúc.

Tới hội, các nam thanh nữ tú lại rủ nhau lên đồi cao để hát câu giao duyên, với làn điệu sli lượn đặc trưng cho những lễ hội ở miền biên viễn này.

Đến giờ, người già ở Bắc Nga vẫn hay kể cho con cháu rằng: Từ xa, xa lắm, cái thủa mà người và tiên vẫn thường gặp nhau trên trái đất. Bởi mê mẩn với vẻ đẹp dưới trần thế nên các tiên nữ trên trời thường hay rủ nhau bay xuống dạo chơi để thưởng ngoạn những hoa thơm cỏ lạ.

Một lần ghé tới vùng quê (Bắc Nga), thấy dòng sông (sông Kỳ Cùng) xanh thẳm uốn lượn bên các sườn núi, các nàng Tiên đã “trút xiêm y” để hòa mình vào dòng chảy nơi trần thế này, rồi lên núi hái hoa, bắt bướm cho tới chiều muộn mới lại rủ nhau bay về thiên giới.

Mê mẩn vẻ đẹp trần gian nên trong một lần dạo chơi, các tiên nữ đã báo mộng cho bà cụ độc thân đang lên núi đốn củi biết rằng: “...Nơi đây đất lành, cảnh đẹp ta ở lại đây không về thượng giới nữa...”. Khi về, bà cụ mang chuyện kể lại với dân làng được biết về giấc mơ của mình, dân làng tin lời bà lão và cũng cho biết là họ thường thấy các nàng Tiên bay về khu rừng ấy và tắm ở dòng sông này.

Từ đó, với lòng thành kính, nên người dân đã góp công góp của để xây dựng Miếu thờ Tiên tại đây. Với mong muốn tiên nữ sẽ phù hộ cho dân làng có cuộc sống ấm no hạnh phúc và bình an. Từ đó người dân nơi đây lấy ngày 15 tháng Giêng hàng năm là ngày cúng lễ, mở hội để mời Tiên, mời Phật về phù hộ cho cuộc sống của họ.

Theo thời gian miếu thờ cũng ngày một xuống cấp nên cũng có nhiều tiền nhân, công thần văn sĩ bởi ngưỡng mộ cảnh đẹp nơi đây đã phát tâm, bỏ tiền xây dựng miếu thờ Tiên, rồi thờ Phật và gọi là Chùa Bắc Nga hay có tên chữ là “Tiên Nga Tự” như ngày nay.

Giá trị lịch sử

Qua nghiên cứu các tư liệu, tài liệu lịch sử cùng các văn bản Hán Nôm của chùa, được biết hiện chùa còn giữ lại được 04 bia đá và 21 bản khắc Kinh phật (gỗ) cùng nhiều tư liệu khác,..

anh-1-chua-bac-nga-tai-xa-gia-cat-huyen-cao-loc-tinh-lang-son..jpg
Chùa Bắc Nga tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Trong đó, Bia chùa Tiên Nga (bia số 1) có ghi lại việc trùng tu chùa vào năm Đinh Dậu niên hiệu Minh Mệnh thứ 18 (1837), từ nhà lá đơn sơ, rồi sau đó lợp ngói. Tới tận 60 năm sau, chùa Tiên Nga lại được các quan cùng nhân dân địa phương công đức tu sửa, tôn tạo lại vào ngày tốt tháng 2 Thành Thái 13 (1901).

Còn tại tấm Bia chùa Tiên Nga (bia số 2) ghi lại việc trùng tu bên trong chùa như: Bài trí tượng chùa cùng các đồ thờ tự.

Tấm bia thứ 3 chùa Tiên Nga được chạm khắc vào tháng 11 năm Bảo Đại thứ 2 (1927) có ghi: “Tiên Nga tự bi” nói về việc Lũng Thị Đao cùng mẹ và các em công đức ruộng cho bản chùa.

Tấm bia thứ 4 chùa Tiên Nga nói về việc tân tạo chùa của một bà lão. Do mơ thấy Thần nên bà bèn hưng công xây dựng Miếu thần và một giếng bên đường. Bia được dựng vào ngày tốt tháng 5 năm Nhâm Tuất (1562).

Như vậy, qua nghiên cứu từ 04 tấm bia đá còn lại đó của chùa Bắc Nga thì thấy rằng, Chùa được xây dựng vào năm 1562 (thời nhà Mạc), lúc đầu chỉ là ngôi Miếu nhỏ, sau đó là Đền rồi là Chùa cho tới nay.

Chùa Bắc Nga là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của người xưa để lại cho ngày nay, vừa phục vụ nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh cho người dân địa phương, vừa phục vụ du khách thập phương tới lễ và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, chùa còn thể hiện truyền thống dân gian và tập tục vốn có của người Việt, đó là thờ: Thần, Thánh, Phật...

anh-3-toan-canh-chua-bac-nga-duoc-bo-vhtt-dl-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia..jpg
Toàn cảnh chùa Bắc Nga được Bộ VHTT & DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo thời gian, cùng với những diễn biến của nhiều giai đoạn lịch sử chống giặc ngoài xâm, chùa cũng đã xuống cấp, và được tu sửa, tôn tạo nhiều lần. Lần gần đây nhất là vào năm 1995, chùa được tu sửa lại phần mái. Đến năm 1998, chùa được xây lại tường bao; năm 2008 tiếp tục được đảo lại ngói, thay mái và xây sân chùa... để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân.

Di sản văn hóa phi vật thể

Theo các tài liệu lịch sử ghi chép lại, khi khởi dựng, chùa Bắc Nga được xây dựng bằng gạch, mái lợp ngói, gồm một gian tiền tế thờ công đồng và một gian hậu cung thờ Tam Bảo. Chùa còn lưu giữ được một số hiện vật quý như các bức hoành phi, đôi câu đối, bát hương cổ, văn bia ghi lại việc trùng tu chùa…

Ngôi chùa là biểu tượng của sự giao thoa các lớp tín ngưỡng, tôn giáo đặc trưng gồm đạo thờ Tiên, đạo Phật, tục thờ Mẫu. Kiến trúc trong chùa bài trí đơn giản gồm tượng Phật, tượng ông Thiện ông Ác, một số tượng nhỏ trên ban thờ Tam Bảo…

Tuy không thật sự bề thế và hoành tráng như nhiều ngôi chùa khác, nhưng chùa Bắc Nga từ lâu đã nổi tiếng linh thiêng, thu hút rất nhiều du khách thập phương đến nguyện cầu, nhất là vào dịp lễ hội.

Hội chùa Bắc Nga diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Cũng như nhiều lễ hội khác, hội chùa có 2 phần, phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ gồm có các nghi thức cúng tế trong chùa mời Tiên, Phật về phù hộ cho dân chúng được bình an, hạnh phúc. Còn phần Hội có múa sư tử, các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy... Nhưng đặc biệt nhất phải kể đến màn hát giao duyên của các thanh niên nam nữ bằng các điệu sli, lượn đặc trưng của dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn.

Năm 2002, chùa Bắc Nga được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố. Tới ngày 14/ 2/ 2023, Lễ hội truyền thống chùa Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 231/QD-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Việc Lễ hội chùa Bắc Nga được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể sẽ là động lực giúp cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của di sản trên địa bàn.

Trang Việt